Khách đồng loạt hủy lịch: Du lịch, nhà hàng khó chồng khó

Phương Nga - Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một năm kinh doanh bết bát bởi dịch Covid-19, dịp cuối năm, lượng khách đông lên, những tưởng là tia hy vọng của các DN lữ hành, nhà hàng tổ chức tiệc hoạt động nhộn nhịp trở lại… Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái bùng phát đã giáng thêm một “cú đấm bồi” khiến DN khó càng thêm khó.

Khách du lịch tại Văn Miếu những ngày đầu năm 2021. Ảnh: Hoài Nam
Hơn 90% khách hủy lịch tổ chức tiệc
Mấy ngày qua, cả ban lãnh đạo cũng như nhân viên nhà hàng tiệc cưới New Day Palece Hà Đông tá hỏa vì khách hàng liên tục gọi điện hủy lịch tiệc. Ban lãnh đạo thì lo gọi điện đến các đơn vị cung cấp nguyên liệu, thực phẩm, còn nhân viên thì tất bật dọn dẹp lại hội trường đã chuẩn bị trước đó. Chị Nguyễn Thị Thủy - nhân viên kinh doanh nhà hàng tiệc cưới New Day Palace Hà Đông cho biết: Tính đến ngày 31/1, hơn 90% khách hàng đã đặt lịch tổ chức tiệc ở nhà hàng đều gọi điện hủy lịch. Trong khi, để chủ động cho các buổi tiệc, trước đó các nhà đã trang trí, nhập nguyên liệu, thực phẩm, hoa, quả… “Tình hình này khiến chúng tôi càng thêm kiệt quệ” – chị Thủy buồn bã nói.

Cũng chung hoàn cảnh éo le này, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài thông tin, tính đến nay, hầu hết khách đặt tour tổng kết năm dự kiến tổ chức đầu tháng 2 đều hủy lịch, số còn lại cũng chần chừ chờ diễn biến của dịch bệnh mới quyết định. “Việc khách đột ngột hủy tour gây tổn thất lớn cho công ty. Chúng tôi đã dừng các hoạt động bán tour tới các điểm du lịch của Hải Dương và Quảng Ninh để đảm bảo phòng dịch” – ông Tài cho hay.

Sau các chiến dịch kích cầu và liên kết du lịch nội địa, du lịch Quảng Ninh nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, tuyến du lịch đông khách nhất ở phía Bắc chủ yếu là Hà Nội – Hạ Long (Quảng Ninh), với các điểm du lịch Hạ Long, Bình Liêu, Yên Tử, Móng Cái… Nhưng với tình hình dịch diễn biến phức tạp, buộc các tour đến đây sẽ phải dừng lại.

Theo đại diện Tiên phong Travel, trước mắt công ty sẽ phải tìm kiếm các tour thay thế ở những địa điểm an toàn, xa vùng dịch để đảm bảo an toàn cho khách. Các tour sẽ đảm bảo tương đồng về tiêu chí chất lượng dịch vụ, giá cả... “Tâm lý khách luôn đề cao yếu tố an toàn nên khi có thông tin về các ca mắc mới Covid-19, họ sẽ đối chiếu với quy định để hoãn, đổi tour từ các đơn vị cung cấp dịch vụ để đảm bảo quyền lợi giữa các bên” – Giám đốc Tiên phong Travel Phùng Xuân Khánh cho biết.

Bình tĩnh chuyển hướng kinh doanh

Dịch diễn biến phức tạp, bản thân các DN lữ hành, nhà hàng là đơn vị trực tiếp chịu tổn thất. Tuy nhiên, họ cũng không quên trách nhiệm phòng dịch với cộng đồng. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, các đơn vị này đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch như đảm bảo giãn cách, khử khuẩn, đo thân nhiệt…

Anh Nguyễn Tiến Linh, chủ nhà hàng Hạnh Linh ở Nguyễn Xiển (Thanh Xuân) cho biết: Mặc dù việc hủy tiệc đột xuất gây thiệt hại không nhỏ cho nhà hàng nhưng đây là điều không ai mong muốn, bản thân phía khách hàng cũng bị động. Do đó, nhà hàng quyết định không bắt khách hàng phải đền bù hợp đồng. Đối với những khách hàng có nhu cầu dời lịch qua Tết Nguyên đán, nhà hàng cũng sẽ tạo điều kiện. Trong khi đó, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nhận định: Đợt dịch bùng phát này tuy khá bất ngờ nhưng bản thân các DN lữ hành đã có kinh nghiệm từ các đợt dịch trước đó, nên có sự chủ động, bình tĩnh xử lý tình huống. Hiện, nhiều đơn vị đã dừng bán các tour đi Quảng Ninh, Hải Dương và có hướng đàm phán với khách hàng chuyển tour sang địa điểm khác.

Chia sẻ với những khó khăn của các DN lữ hành trong thời điểm này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu yêu cầu các đơn vị một mặt đảm bảo duy trì hoạt động đón khách, mặt khác phải thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch Covid-19; chủ động các phương án tổ chức hoạt động du lịch và điều kiện để phục vụ du khách trong dịp Tết. Các đơn vị lữ hành, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch cần thông báo kịp thời những trường hợp khách có biểu hiện mắc Covid-19 và hành trình di chuyển của các đoàn khách đi - về từ vùng có dịch với cơ sở y tế địa phương.

Đối với các cơ sở lưu trú, lãnh đạo Sở Du lịch yêu cầu thực hiện nghiêm túc khai báo y tế trực tuyến với khách lưu trú; rà soát khách du lịch đang lưu trú tại cơ sở và cung cấp thông tin những người đi - đến từ vùng có dịch cho cơ sở y tế địa phương. Những khách sạn đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt làm khu cách ly tập trung có thu phí thường xuyên chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, nhân viên trong khách sạn tuân thủ quy định của ngành y tế trong phòng, chống dịch; theo dõi, giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh cách ly tại khách sạn.
Ngày 29/1, Sở Du lịch Hà Nội đã có Văn bản số 68/SDL-QLCSLT gửi các đơn vị, DN, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn TP về việc tiếp tục thực hiện một số biện pháp cấp bách bảo đảm hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần