Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khách sạn bịt kín đường ra biển của ngư dân sao lại đi hỏi ông Bộ Nông nghiệp?

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi chất vấn sáng 6/11 tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về tình trạng resort, khách sạn bịt kín đường ra biển của ngư dân.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: “Đường ra biển sao lại đi hỏi ông Bộ Nông nghiệp”. Song ông cũng cho rằng “tất nhiên Bộ cũng có trách nhiệm phối hợp với địa phương”.

 Các đại biểu tham gia buổi chất vấn sáng 6/11.

Câu nói của Bộ trưởng Cường khiến nhiều đại biểu ngồi phía dưới hội trường bật cười. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ở vị trí điều hành nhắc việc này cũng có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp ở khía cạnh hỗ trợ ngư dân. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ở góc độ đó thì bộ ủng hộ, bộ sẽ cùng bà con ngư dân và có trách nhiệm nêu vấn đề đó lên để tháo gỡ.

Tăng cường liên kết, giá trị sẽ cao hơn
Trả lời chất vấn về vấn đề khai thác hải sản, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta có khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt cá, trong đó có hơn 12.000 tàu công suất lớn. Tất cả tàu có công suất lớn đã được trang bị các thiết bị đánh bắt, bảo quản hiện đại. Tuy nhiên, phương tiện dưới 15 m vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng nên hiệu quả chưa cao. Do đó, chúng ta cần có lộ trình trình để tường bước nâng cao hiệu quả đội tàu khai thác cá.
Về phương án nâng cao hiệu quả giá trị xuất khẩu cá ngừ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, xuất khẩu cá ngừ đã đạt được 650 triệu USD, tuy nhiên nếu khai thác, chế biến tốt hơn thì sẽ đạt giá trị cao hơn.
Theo Bộ trưởng, có một số doanh nghiệp đã chế biến được sản phẩm từ cá ngừ, nhưng chưa nhiều. Như Khánh Hòa, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với ngư dân khi đưa tàu hậu cần thu mua ngay trên biển. Nếu nhân rộng được mô hình này, giá trị nghề khai thác, chế biến cá ngừ có thể tăng gấp 2-3 lần.
Về giải pháp khắc phục tình trạng ngư dân Việt Nam đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, hằng năm chúng ta đang khai thác ở mức 3,1 - 3,2 triệu tấn, quá mức so với trữ lượng hải sản. Đội tàu của chúng ta đang quá đông, do đó Chính phủ có phương hướng giảm sản lượng khai thác, thay đổi cơ cấu kinh tế, đó là tăng cường nuôi biển. Tại Kiên Giang, trước đây có 1 xã gần như 100% đi khai thác hải sản, nhưng đến nay hơn 1.000 hộ chuyển hướng nuôi cá lồng. Đây là xã nông thôn mới, đời sống của người dân rất cao.

Về vấn đề "thẻ vàng EU", Bộ trưởng cho biết, đây là luật cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo và khai báo không chính xác. Hiện nay, Việt Nam bị rút thẻ vàng, theo đó thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất.

Trước đây, Việt Nam đã có những sai phạm về đánh bắt và khai báo sai, do đó ngày 23/10/2017, EU rút thẻ vàng IUU. Từ đó đến nay, chúng ta đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EU. Đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác bền vững.

Sau 2 năm, EU công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các địa phương phải quyết liệt, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn và cả bà con ngư dân cũng phải thực hiện đúng quy định vì danh dự của Việt Nam, để có thể thu hồi được thẻ vàng của EU, hãy chung tay tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững.