Khai giảng năm học mới ngắn gọn, ý nghĩa tạo hứng khởi cho học sinh

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Hôm nay (5/9), hơn 1,7 triệu học sinh (HS) Thủ đô cùng với HS cả nước nô nức đến trường khai giảng năm học mới 2016 - 2017.

Kinhtedothi - Trong buổi họp báo chiều 4/9, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: Đây là năm thứ hai, ngày khai giảng được tổ chức đồng loạt cùng giờ, cùng ngày trên tinh thần đơn giản, gọn nhẹ, thực sự là ngày hội của HS.

Khai giảng cùng giờ, cùng ngày

Để ngày khai trường thiết thực, ý nghĩa, ngày 30/8, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tổ chức khai giảng năm học 2016 - 2017, thống nhất tổ chức đúng 7 giờ 30 phút ngày 5/9. Lễ khai giảng bao gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng băng lời bài hát), đọc thư của Chủ tịch nước… Phần hội là các hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả HS, nhất là những em nhỏ lần đầu đến trường.
Cô giáo trường Tiểu học đô thị Sài Đồng, quận Long Biên chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Nhật Nam
Cô giáo trường Tiểu học đô thị Sài Đồng, quận Long Biên chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Nhật Nam
Với các trường ở Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND TP về khai giảng năm học mới, Sở đã hướng dẫn cụ thể các nhà trường. “Ngoài công tác chỉ đạo, hướng dẫn nhà trường thực hiện khai giảng đúng, Sở cũng đề nghị Công an TP, UBND quận, huyện, thị xã, các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp đảm bảo ATGT, ngăn ngừa ùn tắc giao thông cho HS, phụ huynh đưa con em đến trường thuận tiện đảm bảo cho ngày khai trường thực sự là ngày hội đáng nhớ cho các em" - ông Tiến chia sẻ.

Tạo ấn tượng cho năm học mới

Trường lớp được sơn sửa, dọn vệ sinh sạch sẽ từ trong lớp đến sân trường; cây xanh, cây cảnh trong khuôn viên trường được cắt tỉa gọn gàng, sạch sẽ. Ở các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT cờ, hoa, băng zôn, khẩu hiệu được treo ngay ngắn cả trong và ngoài cổng trường tạo một không khí phấn chấn, vui tươi cho ngày khai trường. Đặc biệt, chuẩn bị cho ngày khai giảng được các nhà trường làm nhanh gọn, khoa học, không để HS vất vả hay mệt mỏi vì phải tập dượt nhiều.

Em Nguyễn Thùy Dương - HS lớp 3 trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, nhà trường cho các lớp tập xếp hàng, các nghi thức để chào mừng ngày khai giảng và đón các em lớp 1 vào 2 buổi sáng 30 và 31/8. “Em rất mong đến ngày khai giảng để được mặc đồng phục mới và được đón các em lớp 1” – Dương chia sẻ. Hầu hết phụ huynh cũng tỏ ra hài lòng với sự chuẩn bị cho ngày khai giảng gọn nhẹ. Chị Phạm An Nhiên - phụ huynh HS trường Tiểu học Ngọc Hà (quận Ba Đình) cho biết, năm nay nhà trường tổ chức tập dượt, chuẩn bị cho lễ khai giảng rất nhanh gọn, không mất nhiều thời gian như những năm trước.

Thực sự đây không chỉ là mong muốn của riêng HS, phụ huynh, mà cả các thầy cô, đặc biệt là lãnh đạo nhiều trường tán thành việc giảm phần lễ, tăng phần hội, bớt rườm rà, vất vả cho cả thầy và trò. Cô Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông) cho biết, chuẩn bị cho ngày khai giảng, nhà trường tổ chức cho các em tập duyệt ngắn gọn, trong 2 buổi sáng, mỗi buổi một tiếng và có chọn lọc để tạo không khí cho một năm học mới khí thế hơn. "Việc chuẩn bị cho ngày khai giảng về cơ bản vẫn như mọi năm. Khai giảng đều có 2 phần, phần lễ và phần hội. Để các em HS không phải chờ đợi lâu, năm nay trường tổ chức phần lễ thật ngắn gọn. Trong đó, trường sẽ tăng phần hội và tập trung đón HS lớp 1, đây là lớp HS còn nhiều bỡ ngỡ, tổ chức đón các em thật nồng nhiệt, tạo niềm vui, sự hứng khởi cho các em ngay ngày đầu đến trường" – cô Tâm cho hay.

Có thể thấy, thay đổi cách thức tổ chức để trả lại ý nghĩa đích thực của Lễ khai giảng năm học mới đã được xã hội đồng thuận. Sự điều chỉnh này nhằm giảm bớt sự vất vả cho HS khi phải tập dượt, xếp hàng dưới nắng, mưa chờ lãnh đạo đến khai mạc, hoặc phải nghe những bài phát biểu mà có khi các em chẳng hiểu gì. Thay vào đó, là buổi lễ khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa, nhưng đầy cảm xúc, tạo hứng khởi cho HS, đặc biệt là các lớp đầu cấp, giúp các em nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập mới.
Tại cuộc họp báo chiều 4/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2017 sẽ có 1 cụm THPT quốc gia và bài thi tổng hợp để khắc phục học tủ, học lệch. Hiện nay, tổ công tác của Bộ đang rà soát phương án thi năm 2016, nghe ý kiến góp ý từ địa phương và các trường rồi mới đi đến thống nhất.

Tại thời điểm này, hướng và chủ trương của Bộ GD&ĐT là năm 2017 tiếp tục thực hiện theo phương án năm 2016 có điều chỉnh để đạt hiệu quả hơn. Ví dụ vấn đề tổ chức thi, năm 2016 có 2 cụm thi (các địa phương và trường ĐH), thì năm 2017 chỉ có 1 cụm thi. Năm 2016 tổ chức thi nghiêm túc, đề thi tốt, nhưng có ý kiến cho rằng vẫn có tình trạng học tủ, học lệch mà yêu cầu của giáo dục phổ thông là toàn diện. Vì thế, năm 2017 mở rộng áp dụng công nghệ thông tin, sẽ có những bài thi tổng hợp theo phương thức trắc nghiệm khách quan.(Thủy Trúc)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần