Khai mạc Đối thoại Biển lần thứ 14, thúc đẩy trật tự pháp lý trên biển
Kinhtedothi - Đối thoại Biển lần thứ 14 đã chính thức khai mạc sáng 7/5 tại Hà Nội, quy tụ các nhà ngoại giao, học giả và chuyên gia luật biển trong nước và quốc tế, để cùng trao đổi về vai trò của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 trong bảo vệ hòa bình và ổn định trên đại dương.

Đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm. Ảnh: Khánh Vân
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là nền tảng pháp lý quốc tế điều chỉnh trật tự trên biển, từ chủ quyền đến khai thác và giải quyết tranh chấp.
Phát biểu tại sự kiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: UNCLOS là một trong những thành tựu lớn nhất của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng trật tự pháp lý trên biển, và cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị trong bối cảnh các tranh chấp biển ngày càng phức tạp.
Việc tuân thủ UNCLOS, theo ông, không chỉ là lựa chọn đúng đắn mà còn là giải pháp bền vững bảo đảm lợi ích của từng quốc gia và cả khu vực. “Việt Nam luôn cam kết giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế,” Thứ trưởng cho biết.
Ra đời từ năm 2017 với sáng kiến của Học viện Ngoại giao, Đối thoại Biển đã trở thành diễn đàn quan trọng để kết nối giới chuyên môn và hoạch định chính sách trong lĩnh vực luật biển. PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Học viện, cho biết sự kiện năm nay là cơ hội đặc biệt để nhìn lại hiệu quả của các cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS, nhân dịp sắp tới kỷ niệm 30 năm thành lập Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS).
“Việc đánh giá đúng những thành tựu và thách thức hiện nay sẽ giúp chúng ta định hình những bước đi tiếp theo nhằm tăng cường tính hiệu lực và thực thi của hệ thống pháp lý trên biển,” bà Lan Anh nhấn mạnh.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Hoàng Nam
Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Gillian Bird, cho rằng trật tự dựa trên luật lệ là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bà dẫn chứng kinh nghiệm phân định biển giữa Australia và Timor Leste như một “hình mẫu thực tế” về hiệu quả của giải pháp bởi UNCLOS. “Chúng ta cần cùng nhau bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống pháp lý quốc tế trước những thách thức ngày càng gia tăng,” bà phát biểu.
Ở góc nhìn châu Âu, bà Olivia Schlouch, đại diện Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), đánh giá cao các sáng kiến đối thoại của Việt Nam trong lĩnh vực luật biển. Bà cho biết, việc Việt Nam có ứng viên tham gia tranh cử vị trí thẩm phán tại Tòa án Luật Biển quốc tế là một dấu mốc phản ánh vai trò ngày càng tích cực trong thúc đẩy luật pháp quốc tế. “Sự kết nối giữa nghiên cứu, đối thoại và xây dựng thể chế chính là chìa khóa để bảo vệ đại dương cho thế hệ tương lai,” bà chia sẻ thêm.
Diễn ra trong cả ngày 7/5, Đối thoại gồm bốn phiên thảo luận chuyên đề xoay quanh lịch sử, thực tiễn và tương lai của cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS. Sự kiện do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ KAS và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đồng tổ chức.

Thủ tướng: Giữ vững độc lập, tự chủ, tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại trong hội nhập
Chiều 8/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024.

Đề xuất áp thuế carbon toàn cầu cho vận tải biển
Kinhtedothi - Việc áp thuế carbon nhằm giảm phát thải khí carbon trong vận tải biển và thúc đẩy chuyển đổi sang nhiên liệu sạch.

Hà Nội kêu gọi ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”
Kinhtedothi-Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội vừa ra Lời kêu gọi ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” năm 2025, gửi tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô.