Khai mạc Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/3, tại làng lụa TP Hội An, Lễ hội văn hóa tơ lụa mang tầm quốc tế đã chính thức khai mạc. Đây là lần đầu tiên, một Festival văn hóa truyền thống của lụa Việt hòa quyện với sự phát triển của lụa tơ tằm châu Á.

Lễ khai mạc diễn ra với nhiều hoạt động phong phú gồm: Giới thiệu về nghề tơ lụa truyền thống của Việt Nam; Lễ dâng hương bà Chúa tơ tằm xứ Quảng; Giới thiệu trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống của các làng nghề Tân Châu với sản phẩm Mỹ Á một thời nổi tiếng; Kỹ nghệ dệt hoa văn cổ đám cưới của người Chăm; Dệt thổ cẩm dân tộc Cơ – tu.  
Sản phẩm tơ lụa tại làng Lụa Hội An
Sản phẩm tơ lụa tại làng Lụa Hội An
Liên hoan văn hóa tơ lụa lần này giúp người dân và du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lụa Việt Nam bên cạnh lụa tơ tằm của hàng loạt quốc gia có nền sản xuất tơ lụa hàng nghìn năm như: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar.

Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Festival lần này là cơ hội để kết nối giao thương và phát triển vùng đất có truyền thống tơ lụa Hội An. Bên cạnh đó, lễ hội còn kích thích nhu cầu tiêu dùng lụa trong đời sống hiện đại”.
Dệt thổ cẩm dân tộc Cơ –Tu
Dệt thổ cẩm dân tộc Cơ –tu
Để tạo ra sân chơi giao hòa giữa các khu vực tiêu dùng Đông và Tây, khuôn khổ Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam- châu Á có một sân chơi thời trang giữa các nhà thiết kế trong và ngoài nước. 

Với Triển lãm tơ lụa Việt Nam - châu Á đã quy tụ 40 gian hàng của các nước Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Việt Nam, một sự so sánh giữa công nghệ sạch, sản phẩm hiện đại và những sản phẩm làm tay. Các gian hàng sẽ thu hút cho tính tiện dụng cao trong đời sống.
Nghệ nhân dệt thổ cẩm áo cô dâu của dân tộc Chăm
Nghệ nhân dệt thổ cẩm áo cô dâu của dân tộc Chăm
Ông Li Jilin – Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Thế giới đã đánh giá Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam-Châu Á là một sáng kiến thú vị làm nổi bật văn hóa tơ lụa, làm cho những người sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ cho tinh thần của những nhà sản xuất tơ lụa.

Trong thời gian sắp đến, làng lụa Hội An sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình “Bảo tàng sống trong lòng di sản sống Hội An về nghề tơ lụa” với việc hoàn thiện quy trình ươm tơ dệt lụa, bổ sung hiện vật, trưng bày hiện vật tơ lụa của các nước châu Á  để người xem có đối sánh về tơ lụa mỗi dân tộc.