Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai mạc giải chạy Khơi nguồn yêu thương"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên hợp Quốc tại Việt Nam, cùng các bộ, ban, ngành, đoàn thể tổ chức giải chạy "Khơi nguồn yêu thương".

Ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự và có bài phát biểu tại lễ khai mạc giải chạy.

Giải chạy "Khơi nguồn yêu thương" là sự kiện hưởng ứng chiến dịch Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, được phát động vào ngày 18/11 vừa qua. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày 25/11 – ngày được Liên hợp quốc lựa chọn là Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

 
Ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại khai mạc giải chạy "Khơi nguồn yêu thương”
Ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại khai mạc giải chạy  "Khơi nguồn yêu thương".

1.000 nam nông dân, hội viên Hội Nông dân đã tham dự giải chạy với thông điệp “Đừng vung tay, hãy cầm tay”. Năm nay, Trung ương Hội Nông dân và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tổ chức chuỗi chương trình tập trung hướng tới nâng cao nhận thức và hành động cho các nam nông dân và cán bộ hội nông dân vì một xã hội không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Bởi 2/3 dân số Việt Nam sống bằng nghề nông, hơn ai khác, các nam nông dân, nam cán bộ Hội Nông dân cần có những nhìn nhận đúng đắn về vấn đề bạo lực phụ nữ và trẻ em gái.

Số liệu từ Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam cho thấy, hơn 1/2 phụ nữ đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực: thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Trong số đó, có tới 1/2 số nạn nhân không dám nói với ai về tình trạng này.

 
Vận động viên là cán bộ, hội viên, ND thành phố Hà Nội tham gia giải chạy.
Vận động viên là cán bộ, hội viên, ND thành phố Hà Nội tham gia giải chạy.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: bạo lực gia đình đang là một vấn đề xã hội nghiêm trọng xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Gia đình lẽ ra phải là một nơi đầy tình thương yêu, sự thoải mái và an toàn, hạnh phúc nhưng đối với rất nhiều người, gia đình lại là nơi phát sinh sự sợ hãi, đau đớn, khổ sở và nhục nhã. Đặc biệt, người phụ nữ có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực ngay trong chính gia đình mình hơn là ở một nơi khác trong cộng đồng xã hội.

Nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực đối với phụ nữ chính là thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, nhất là đối với phụ nữ và nhận thức kém bình đẳng về giới, thậm chí đã được thừa nhận trong luật pháp.

Ông  Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ở Việt Nam, do phụ nữ có đóng góp quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rất sớm, nên vị trí của phụ nữ Việt Nam cũng được đề cao cả trong luật pháp.

Việt Nam đã xây dựng được một khung pháp lý về bình đẳng giới và bạo lực gia đình tương đối hoàn chỉnh và tiến bộ so với một số nước trên thế giới. Sự ra đời của luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em – những người dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, đồng thời khẳng định quyết tâm của chính phủ Việt nam trong việc cam kết với cam kết cộng đồng quốc tế.