Khai mạc Hội nghị Đối ngoại Đa phương Thế kỷ 21

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (12/8), Hội nghị Đối ngoại Đa phương Thế kỷ 21 và Khuyến nghị Chính sách Đối với Việt Nam chính thức khai mạc tại khách sạn Sheraton, Hà Nội.

Mục đích chính của Hội nghị là nhìn lại gần 30 năm thực hiện chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, rút ra các bài học kinh nghiệm, và đề ra khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam và ASEAN.

Hội nghị có ý nghĩa lớn trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến mau lẹ và phức tạp.

Tham dự vào Hội nghị có các cán bộ ngành đối ngoại ở trung ương và địa phương. Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Về phía diễn giả quốc tế có ông Pascal Lamy, cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Tiến sĩ Jayantha Dhanapala, nguyên Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách giải trừ quân bị, và ông George Yeo, Chủ tịch Tập đoàn Kerry Logistics, nguyên Ngoại trưởng Singpapore.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.
Trong sáng 12/8, sau phần giới thiệu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trong diễn văn của mình, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao đa phương và bày tỏ niềm tự hào Việt Nam đã đảm nhiệm cương vị ủy viên  ủy viên không thường trực Liên Hợp Quốc 2008-2009 và chủ tịch ASEAN 2010. Không những vậy, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện đa phương lớn, giành được tín nhiệm từ cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của đất nước.

Người đứng đầu chính phủ khẳng định Việt Nam nhận thức rõ về vai trò của các thể chế, diễn đàn đa phương đối với an ninh và kinh tế khu vực, và ghi nhận đang diễn ra quá trình chuyển dịch kinh tế thế giới và tương quan lực lượng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ngoại giao đa phương giúp bảo vệ độc lập quốc gia, giữ chủ quyền đất nước. Các diễn đàn đa phương là nơi bảo vệ và thúc đẩy an ninh khu vực và quốc tế, phát triển quan hệ đối tác bình đẳng và cùng có lợi dựa cơ sở luật pháp quốc tế.

Trong diễn văn của mình, Thủ tướng cũng đề cập đến tình hình Biển Đông căng thẳng và việc bảo vệ chính nghĩa quốc gia thông qua các cơ chế, diễn đàn đa phương.

Tiếp đó diễn giả Pascal Lamy, chuyên gia hàng đầu về ngoại giao đa phương, đã thuyết trình về “Các xu thế lớn của đối ngoại đa phương thế kỷ 21”.

Ông Lamy đã đề cập đến các diễn biến phức tạp trong tình hình thế giới, và phân tích về các xu hướng, như quá trình toàn cầu hóa, quá trình tái cân bằng kinh tế, các thách thức môi trường,…

Bài phát biểu của cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Jayantha Dhanapala tập trung vào vai trò của Liên Hợp Quốc và các định chế đa phương trước các thách thức mới đối với hòa bình, an ninh thế kỷ 21.

Ông Jayantha Dhanapala đã trình bày về các khái niệm an ninh mới, không chỉ giới hạn vào khía cạnh quân sự như trước đây mà còn bao gồm các mặt như kinh tế, nguồn lực, con người. Ông dẫn lời đương kim Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định mối quan hệ tương hỗ giữa an ninh và phát triển.

Cựu lãnh đạo LHQ nhắc đến các chủ thuyết chính ngự trị thế kỷ 20 là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, từ đó đề cập đến các “chủ nghĩa” đang nổi lên trong thời hiện tại là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa quốc gia, và chủ nghĩa tiêu dùng…

Diễn giả hàng đầu của Việt Nam về đối ngoại đa phương, Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, một người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động đa phương trình bày “Nhận thức của Việt Nam: Cơ hội và thách thức đối với các nước vừa và nhỏ trong triển khai đối ngoại đa phương”.

Mở đầu phần thuyết trình, ông Vũ Khoan phân tích thế nào là nước nhỏ, nước lớn, nước trung bình…

Ông khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của ngoại giao đa phương đối với Việt Nam trong việc bảo vệ độc lập và phá vỡ thế bao vây cô lập, nâng cao vị thế dân tộc và phát triển kinh tế đất nước, đồng thời giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ các lợi ích của nước vừa và nhỏ trước sức ép từ các nước lớn.

Tuy nhiên hoạt động đa phương cũng đặt ra nhiều thách thức lớn như nguy cơ bị bao vây và sự va chạm giữa lợi ích các nước…