GS. Petteri Taalas - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết, 70% thiên tai liên quan đến khí tượng và 70% trong số đó liên quan đến xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ). Năm 2017 là một năm đặc biệt với XTNĐ trên quy mô toàn cầu. Tại khu vực Bắc Đại Tây Dương, số lượng các cơn bão và bão lớn (hạng 3 trở lên) đã tăng gấp đôi so với trung bình dài hạn. Trong khu vực này, dù số lượng bão có chút cao hơn so với trung bình nhưng thiệt hại kinh tế - xã hội gây ra do bão là rất lớn.
“Những ảnh hưởng trong tương lai của biến đổi khí hậu với XTNĐ có thể sẽ thay đổi theo vùng, tuy nhiên những đặc điểm cụ thể của những biến đổi này vẫn chưa được định lượng tốt và độ tin cậy trong dự báo tần suất cũng như cường độ XTNĐ ở các khu vực cụ thể vẫn còn thấp. Là một cộng đồng về XTNĐ và bão, chúng ta phải chuẩn bị và cảnh giác mọi lúc và tận dụng tối đa những tiến bộ khoa học và công nghệ” - GS.Petteri Taalas nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, là thành viên của Ủy ban Bão quốc tế từ năm 1979, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của Ủy ban Bão, luôn chung tay cùng với cộng đồng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam đã thực hiện và ban hành nhiều chính sách quan trọng. Đặc biệt, Luật Khí tượng Thủy văn năm 2015 đã tạo cơ sở quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về KTTV, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động KTTV; tạo hành lang pháp lý đối với các hoạt động KTTV trong phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với biến đổi khi hậu, bảo vệ con người tài sản và sự phát triển bền vững của đất nước.
Ủy ban Bão là tổ chức quốc tế được thành lập từ năm 1968 dưới sự đồng bảo trợ của Ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhằm tăng cường và điều phối việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Hiện tại, Ủy ban Bão quốc tế có 14 nước và vùng lãnh thổ là thành viên tham gia, Việt Nam là thành viên chính thức từ năm 1979. Với việc tham gia Ủy ban Bão quốc tế, Việt Nam đã có nhiều các hoạt động hợp tác trong công tác KTTV và nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ nghiên cứu, chia sẻ công nghệ, số liệu, kinh nghiệm đã nhận được nhiều sự hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo... góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác cảnh báo và dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) đặc biệt là dự báo bão, lũ ở Việt Nam.
Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão nhằm giới thiệu thành tựu chính của Ủy ban Bão trong việc hỗ trợ, gắn kết các hoạt động các nước thành viên để phát triển công tác nghiên cứu các hiện tượng thời tiết cực đoan, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.
Khóa họp thường niên là dịp các nước thành viên đánh giá những thành quả trong hoạt động Ủy ban Bão trong năm 2017. Đồng thời điều phối việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương năm 2018...
Sự kiện diễn ra trong 4 ngày, từ 28/2 - 3/3; có sự hiện diện của 150 đại biểu là người đứng đầu các cơ quan khí tượng thủy văn, các chuyên gia hàng đầu về khí tượng thủy văn của 14 nước thành viên; các nước quan sát viên; quan chức cấp cao của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Khí tượng thế giới, Ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương. Được biết, trong khuôn khổ sự kiện, còn có các cuộc họp song phương giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực về hợp tác trong lĩnh vực dự báo KTTV, chia sẻ số liệu. Trước đó, cũng đã diễn ra hội thảo "Nắm vững công nghệ và kiến thức để đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên mới về dự báo bão" và toạ đàm "Vai trò của ngành KTTV trong phát triển bền vững".