Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021

Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 20/4, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Cố Đô - Hoa Lư (Ninh Bình) đã diễn ra lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2021 với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm”.

Tới dự lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng. Đại diện TP Hà Nội có Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
 Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2021
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021 Phạm Quang Ngọc cho biết, tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, đồng thời đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước.
“Năm Du lịch Quốc gia 2021 với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm” là chuỗi sự kiện xuyên suốt nhằm thúc đẩy, khích lệ du lịch cả nước vượt qua khó khăn, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn” - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết.
Tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương các cơ quan quản lý du lịch, cộng đồng các DN, địa phương, Nhân dân đã cùng đồng lòng khôi phục thị trường du lịch trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Nhìn lại bước phát triển của du lịch Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, những năm vừa qua ngành Du lịch có bước phát triển ấn tượng. Vào thời điểm trước dịch Covid-19, Việt Nam đã đón trên 100 triệu lượt khách trong nước, trên 18 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp hơn 9% vào DPG cả nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động và thúc đẩy cho các ngành khác cùng phát triển.
Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới, vào nhóm 10 nước có tốc độ phát triển cao nhất và dành được nhiều giải thưởng uy tín quốc tế về du lịch như: Số 1 thế giới về du lịch di sản, ẩm thực, số 1 châu Á về du lịch golf. Ninh Bình cũng được vinh danh là 1 trong 50  điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, 1 trong 20 điểm đến lý tưởng của du lịch khám phá. Vừa qua, Ninh Bình cũng được bầu chọn là điểm đến hiếu khách nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, có được sự phát triển đó là nhờ sự đóng góp của cộng đồng làm du lịch, trong đó có nhiều nhà đầu tư du lịch đã giúp hạ tầng phát triển nhanh với nhiều công trình quy mô và những sản phẩm chất lượng mang tầm quốc tế. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của người dân khắp mọi miền trong việc tham gia làm du lịch, xây dựng sản phẩm mới, cùng nhau khắc phục những bất cập… 
Để du lịch Việt Nam nhanh chóng khôi phục thị trường khi chưa thể đón khách quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương, đơn vị cùng thực hiện thật nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa; rà soát lại các chủ trương chính sách phát triển, hoàn thiện nâng cấp các sản phẩm du lịch, sẵn sàng cho bước phát triển mới khi mở cửa đón khách quốc tế. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị Bộ VHTT&DL phối hợp với các Hiệp hội du lịch hỗ trợ và khắc phục khó khăn cho DN; tăng cường các hoạt động liên kết, hỗ trợ để phát triển du lịch một cách bền vững, an toàn…
Năm Du lịch Quốc gia 2021 diễn ra ở 27 địa phương trong cả nước, với 104 sự kiện. Tỉnh Ninh Bình - địa phương đăng cai sẽ chủ trì 38 hoạt động, trong đó có 11 hoạt động trọng tâm như: Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2021 (kết hợp khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2021, diễn ra ngày 9 tháng 3 âm lịch); Lễ hội Hoa Lư (ngày 9 đến 11 tháng 3 âm lịch); Lễ hội Tràng An (ngày 18 tháng 3 âm lịch); Lễ đàn Kính thiên; Tuần Du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An"; Triển lãm mỹ thuật "Di sản văn hóa Ninh Bình" năm 2021 và Triển lãm ảnh nghệ thuật "Ninh Bình huyền thoại" (được tổ chức trong quý II-2021); Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn (tổ chức cuối tháng 4); Hội chợ triển lãm Công nghiệp thương mại và Du lịch Ninh Bình (thực hiện trong quý III); Lễ bế mạc Năm Du lịch Quốc gia 2021 (tổ chức vào tháng 12)... Ngoài 11 hoạt động trọng tâm này, Ninh Bình còn tổ chức 27 hoạt động khác diễn ra vào các thời điểm trong năm.
Trong lễ khai mạc, người dân và du khách được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc gồm 3 chương: “Việt Nam thuở ấy”, “Nước non ngàn dặm”, “Hoa Lư - I love you”…
Để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường khu vực tổ chức Lễ Khai mạc, phòng chống, không để dịch Covid-19 xảy ra, Ban tổ chức bố trí 5 máy quét thân nhiệt tự động tại 3 cổng vào khu vực tổ chức Lễ Khai mạc: Cổng phía Đông (2 máy), cổng phía Bắc (2 máy), cổng phía Nam, hướng đi thôn Chi Phong (1 máy).
Ngoài ra, còn sử dụng thêm các nhiệt kế hồng ngoại cầm tay để thực hiện kiểm tra thân nhiệt cho 100% đại biểu và người dân tham dự. Đại biểu và người dân bắt buộc phải hoàn thành 4 bước khi dự sự kiện: Sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khai báo y tế mới được vào tham dự lễ khai mạc. Việc khai báo y tế được thực hiện bằng 2 hình thức: Dùng điện thoại thông minh quét mã QR-Code hoặc ghi tờ khai y tế.