Khai mạc phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 15. Dự kiến phiên họp diễn ra đến hết ngày 13/10.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nội dung phiên họp lần này sẽ hoàn tất những công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV và xem xét một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 15. Ảnh: Quochoi.vn
Theo chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; Cho ý kiến về các báo cáo sẽ được trình bày trước Quốc hội gồm: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Đây là nội dung đã được Quốc hội thảo luận trước đó trong kỳ họp thứ 3 và tại kỳ họp thứ 4 tới, Chính phủ sẽ có báo cáo chính thức về vấn đề này. Cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Đồng thời, cuối phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về công tác chuẩn bị nhân sự trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo gồm Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.

Đã có 2.396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội
Trình bày Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, để chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

Theo đó, cử tri và Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội, đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá, kiểm soát lạm phát đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút khách quốc tế, đầu tư nước ngoài. Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ngành và chính quyền địa phương các cấp thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, kịp thời hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão, lũ, sạt lở.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn
Cử tri và Nhân dân quan tâm theo dõi và ghi nhận việc Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền các cấp đã nghiêm túc xem xét, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, trả lời những kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp thứ hai, thứ ba của Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân vẫn lo lắng về một số vấn đề như: Nợ công cao, việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả gây thất thoát lớn; công tác cán bộ còn nhiều bất cập; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi; việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương chưa hiệu quả; thiên tai, bão, lũ gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương; dịch sốt xuất huyết, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp; tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập ở các thành phố lớn chưa được xử lý hiệu quả.

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 5 nhóm vấn đề. Đó là, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản bộ máy, giảm đầu mối, đơn vị và thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản pháp luật, tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật; đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, TP để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch đô thị phù hợp với tổng thể chung.
Chất lượng việc giải quyết các kiến nghị sự chuyển biến khá rõ rệt

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP đã tiếp nhận 2.868 kiến nghị cử tri, sau khi tổng hợp, phân loại các kiến nghị trùng nội dung, các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, có 2.458 kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trong đó, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 2.284/2.284 kiến nghị của cử tri (đạt 100%). Với 1.695 kiến nghị (chiếm 74,2%) đã được trả lời giải trình, cung cấp thông tin với cử tri; 282 kiến nghị (chiếm 12,4%) đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết xong; 307 kiến nghị (chiếm 13,4%) đang nghiên cứu đã có văn bản trả lời cử tri sẽ giải quyết trong thời gian tới.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đều rất nghiêm túc, tích cực có trách nhiệm cao trong việc nghiên cứu, xem xét, giải quyết và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri. Mặc dù số lượng các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành là rất lớn nhưng đều đã được các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo việc giải quyết. Có tới 21/24 Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp ký các văn bản trả lời tới cử tri, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp ký 206 văn bản trả lời; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (193); Bộ Giáo dục và Đào tạo (145); Bộ trưởng Bộ Tài chính (91);...

Trưởng Ban Dân nguyện đánh giá, chính do sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp như vậy nên chất lượng việc giải quyết các kiến nghị tại kỳ họp này có một sự chuyển biến khá rõ rệt, những sai sót đáng tiếc như trả lời không đúng với nội dung câu hỏi mà cử tri nêu hay cử tri huyện này hỏi lại trả lời sang huyện khác như đã nêu tại báo cáo trước đã được khắc phục khá triệt để. Ngoài ra, nhiều bất cập, hạn chế khác được Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu tại báo cáo kỳ trước đều đã được các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải quyết hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết. Bên cạnh đó, để lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của người dân, Chính phủ tiếp tục duy trì và vận hành hiệu quả hệ thống thông tin tiếp thu kiến nghị cử tri và doanh nghiệp tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Hoạt động này góp phần hiệu quả vào việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết và trả lời cử tri một cách nhanh chóng, kịp thời có chất lượng, đồng thời tăng cường tính tương tác giữa người dân với Chính phủ.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri như một số kiến nghị đã được bộ, ngành trả lời nhưng chưa thỏa đáng, không rõ ràng, không phù hợp với thực tiễn nên cử tri tiếp tục kiến nghị. Có một số kiến nghị cử tri nêu các bộ ngành có thể xem xét, giải quyết ngay, góp phần tháo gỡ những ngay vướng mắc nhưng chưa được một số bộ, ngành kịp thời nghiên cứu giải quyết. Việc tiếp công dân của các cơ quan và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vẫn còn nhiều hạn chế, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định của pháp luật, hiện tượng ủy quyền, giao cấp phó tiếp thay vẫn còn nhiều. Đặc biệt, trong thời gian qua xuất hiện nhiều phản ánh của cử tri về hành vi, thái độ của cán bộ, công chức chưa đúng mực khi tiếp dân.