Phát biểu tại triển lãm, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Trong tiến trình phát triển của nhân loại, Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật – khoa học, kỹ thuật có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế-xã hội; tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững cho con người và xã hội. Qua sự đóng góp ở nhiều mức độ, Kiến trúc thể hiện các giá trị tư tưởng, bản sắc văn hóa và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Trong hệ thống 889 đô thị hình thành khắp cả nước, hàng ngàn khu đô thị mới với hạ tầng được được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới; hàng vạn công trình, cụm công trình đa dạng, phức hợp về công năng, thẩm mỹ kết hợp khá nhuần nhuyễn tính dân tộc và hiện đại, được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến, vật liệu mới đã và đang tạo lập lên những đô thị có diện mạo văn minh, hiện đại với nhiều không gian sống và làm việc có chất lượng. Kiến trúc của nhiều vùng nông thôn đã thể hiện được tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp".
Tuy nhiên, Kiến trúc Việt Nam vẫn còn những tồn tại, bất cập. Nhiều đô thị phát triển không đồng bộ, chắp vá; còn bất cập giữa bảo tồn và phát triển. Đô thị thiếu các không gian xanh, không gian công cộng, không gian mặt nước... Kiến trúc đô thị phát triển nhanh, đa dạng nhưng còn xa lạ với văn hóa dân tộc, sao chép và chưa thực sự có bản sắc riêng; các khu phố hiện hữu có kiến trúc chắp vá, lai tạp, lấn chiếm không gian chung và không có các điểm nhấn đô thị.
Trong khi đó, Kiến trúc nông thôn có xu hướng bê tông hóa, rập khuôn; việc quản lý, bảo tồn, phát huy các kiến trúc đặc trưng, truyền thống, các giá trị về tự nhiên, cảnh quan, không gian và văn hóa bản địa riêng có của địa phương trong phát triển kiến trúc nông thôn chưa thực sự hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, mong muốn các Kiến trúc sư Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các định hướng mới, giải pháp mới trên cả phương diện lý luận, sáng tác, đào tạo và quản lý cho sự phát triển của Kiến trúc Việt Nam để tận dụng cơ hội, giải quyết các thách thức thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu tại tại lễ triển lãm, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: Kiên Giang là 1 trong 13 tỉnh, TP thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, đảo; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 80% GRDP của tỉnh, trong đó xuất khẩu nông, thủy sản tăng trưởng gần 12%/năm và đóng góp khoảng 20%; tăng trưởng ngành du lịch gần 16%/năm; lượng khách du lịch đến Kiên Giang chiếm khoảng 20% lượng khách du lịch của vùng, doanh thu từ ngành du lịch của Kiên Giang tăng bình quân 35%/năm và đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng chung của tỉnh. Hiện nay, Kiên Giang đóng góp gần 12% giá trị GRDP toàn vùng; khách du lịch chiếm tỷ trọng 32% cả vùng.
Đồng thời, ông Đỗ Thanh Bình cũng kỳ vọng thông qua triển lãm, hội thảo, tọa đàm lần này sẽ mang lại cho Kiên Giang, Phú Quốc nhiều giải pháp, kinh nghiệm trong quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch; định hướng phát triển kiến trúc đô thị, nông thôn và nhất là kiến trúc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại đảo ngọc Phú Quốc, để Phú Quốc thật sự trở thành “Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế” theo yêu cầu của Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2023 là lần đầu tiên tổ chức Triển lãm Kiến trúc nhằm truyền tải thông điệp về bản sắc kiến trúc Việt Nam, đồng thời thể hiện được những mục tiêu quản lý và phát triển đô thị bền vững; thể hiện khả năng thích ứng cao với công nghê, chuyển đổi số; tạo cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.