Triển lãm là một hành trình của nền thiết kế công nghiệp với 31 hiện vật đại diện cho sự nổi bật về đổi mới công nghệ và sản xuất của Italia. Thông qua hiện vật được trưng bày, triển lãm thể hiện tinh thần sáng tạo, tìm kiếm tỉ mỉ các giải pháp mới, luôn thôi thúc thử nghiệm và vượt qua các giới hạn của vật liệu. Đó là khả năng “biến những điều không thể thành có thể”.
Đại sứ nước Cộng hòa Italia tại Hà Nội Antonio Alessandro chia sẻ: Triển lãm đưa ra hai thông điệp. Thứ nhất, ngành thiết kế tìm giải pháp đưa sản phẩm từ thiết kế công nghiệp ra ngoài đời thực và tính sáng tạo của sản phẩm đang trưng bày tại triển lãm, từ nguyên liệu đến công nghệ.
Thứ hai, Italia đã đưa tới Việt Nam những công nghệ và lợi thế cạnh tranh ưu việt nhất mà Việt Nam có thể học hỏi để phát triển nền sản xuất công nghiệp của mình, dựa vào lợi thế cạnh tranh mà mình đang có.
Phần lớn sản phẩm trưng bày ở đây chưa hoàn chỉnh bởi đó chỉ là cấu kiện để lắp sản phẩm hoàn chỉnh, mà ở thị trường Việt Nam có thể chưa nhìn thấy. Đây không phải là thành phẩm cuối cùng mà chính là công nghệ đứng sau sản phẩm đó.
Triển lãm được lên ý tưởng bởi Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia, thiết kế bởi Studio Mario Trimarchi, giám tuyển bởi Giulio Iacchetti và Francesca Picchi, những nhà thiết kế đoạt giải Compasso d' Oro Odo Fioravanti.
Chia sẻ tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho biết, đây là lần thứ ba, Đại sứ quán Italia và Bảo tàng Hà Nội phối hợp triển lãm. Các triển lãm đều mang đến sự mới mẻ, sáng tạo và rất ấn tượng, được công chúng đánh giá cao.
Triển lãm lần này giới thiệu nhiều về nền công nghiệp sáng tạo tại Italia. Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cũng mong muốn, hai bên cùng tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động triển lãm phục vụ công chúng. Đồng thời hợp tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Nội và Rome, đặc biệt là các hoạt động sáng tạo trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO mà Hà Nội đã tham gia.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 18/6.