Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, mảnh đất Thuỵ Lôi nằm ở vị trí phía Bắc của Kinh đô Cổ Loa và Kinh đô Thăng Long, nơi đây có vị trí khá đặc biệt với núi Sái - Đền Sái nơi ghi đậm dấu tích những trận chiến ác liệt và chiến công oai hùng của danh tướng Lý Thường Kiệt, vị tướng tài danh đã chỉ huy quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược nhà Tống trên chiến tuyến sông Cầu ở thế kỷ XI, kìm hãm vó ngựa quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.
Xét về thế quân sự, với khoảng cách không xa, lại có các gò nên Đền Sái như một ụ luỹ phòng vệ từ xa cho thành Cổ Loa về phía Bắc. Vị thế đó có ý nghĩa lớn trong bố phòng quân sự, tạo nên ưu thế cho thành Cổ Loa khi quân dân Âu Lạc kháng chiến chống lại quân xâm lược Triệu Đà.
Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La xây dựng Kinh thành Thăng Long; năm 1011, vua Lý đã đến Đền Sái và cho rước duệ hiệu đức Huyền Thiên từ Đền Sái về xây đền ở cạnh hồ Tây phía Bắc thành Thăng Long (tức đền Quán Thánh) tôn vinh là vị thần trấn giữ phía Bắc cho Kinh thành Thăng Long.
Di tích lịch sử Đền Sái được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1986 với tục lệ “Rước Vua giả”, tương truyền Vua An Dương Vương được đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ giúp trừ yêu tinh để xây thành, để nhớ ơn đã xây dựng đền Kim khuyết cung (Đền Sái ngày nay), hàng năm Vua đều xa giá về bái yết, nhưng về sau thấy việc đi lại hao tốn tiền của Nhân dân nên đã cho phép Nhân dân làng Thụy Lôi “Thực hành nghi vệ Thiên tử, xưng quan tước” để bái yết Thánh Huyền Thiên thay Vua… Từ đó hình thành lễ hội Rước Vua giả, được truyền từ đời này qua đời khác cho đến ngày hôm nay.
“Cùng với lễ hội Cổ Loa, lễ hội Đền Sái đã được ghi danh vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia và được các thế hệ người dân của huyện gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần, trở thành nguồn lực vô giá cho hôm nay và mai sau. Đây chính là những tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển du lịch của huyện, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, du lịch Đông Anh đang từng bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong thời gian tới” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho hay.
Theo Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm Nguyễn Văn Thu, Tuần du lịch văn hóa “Hành trình di sản từ Đền Sái về Cổ Loa” là sự kết nối các điểm di sản tiêu biểu của huyện, mang đến cho du khách một trải nghiệm mới về di sản văn hóa của Đông Anh từ Đền Sái linh thiêng, đến kinh đô Cổ Loa, theo suốt hành trình di sản đó, du khách sẽ tìm đến những di sản vật thể, phi vật thể tiêu biểu độc đáo như: Cụm di tích Đình Thụy Lôi – Đền Sái – Đền thờ TS Lê Tuấn Mậu; di tích lịch sử Đền Tó; cụm di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa; Hội rước vua Đền Sái, hội Kén rể làng Đường Yên, hội Kéo lửa thổi cơm thi làng Lương Quy, đến nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rối nước Đào Thục và lễ hội Cổ Loa – di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia...
“Trong khuôn khổ của chương trình, Tuần du lịch văn hoá “Hành trình di sản từ Đền Sái về Cổ Loa” chính thức bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão 2023 đến hết ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024. Ngoài việc được thăm quan các di tích, cụm di tích, hoạt động lễ hội, người dân và du khách sẽ được thường thức những sản phẩm ẩm thực truyền thống, nông sản đặc trưng, văn hoá truyền thống tiêu biểu của vùng đất Thụy Lâm” - Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm Đinh Văn Thu nói.