Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai thác cát quá mức làm gia tăng sạt lở Đồng bằng sông Cửu Long

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/3, tại Cần Thơ, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cùng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức hội thảo khởi động “Gói tư vấn Xây dựng ngân hàng cát và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, gọi tắt là Dự án quản lý khai thác cát bền vững, được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) - BMU thông qua WWF-Việt Nam.

Dự án được thực hiện trong 5 năm (2019 - 2023), thực hiện những nghiên cứu về ngân hàng cát ở ĐBSCL, tạo cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng những chính sách khai thác cát bền vững ở khối công và tư, góp phần tăng khả năng tự phục hồi và chống chịu với BĐKH của vùng. Trong đó, 2 nghiên cứu quan trọng nhất là Xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL và Kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực ĐBSCL.

Ở ĐBSCL, phần cuối của con sông Mekong, chủ yếu là cát sông được khai thác. Hiện nay có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó để kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên.

Khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Giang Lam
Khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Giang Lam

Từ năm 1994 đến 2014, lượng trầm tích về ĐBSCL đã giảm 50%. Với kịch bản toàn bộ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong được xây dựng và vận hành thì lượng trầm tích về đồng bằng trong tương lai sẽ có thể sẽ giảm tới 95%.

Nguồn cung cấp trầm tích lâu đời từ thượng nguồn đến ĐBSCL hiện đang bị đe dọa ở nhiều khía cạnh do áp lực sử dụng tăng: Khai thác thương mại vật liệu trầm tích dưới lòng sông (khai thác cát sỏi); giảm tải lượng trầm tích liên quan đến việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn và khai thác nước ngầm quy mô lớn đã ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định địa mạo của đồng bằng.

Nếu không có những hành động phối hợp hiệu quả, tình trạng sạt lở các bờ sông ở ĐBSCL và vùng duyên hải sẽ ngày càng trầm trọng, khiến hơn hàng chục ngàn hộ gia đình sống ven sông Tiền và sông Hậu đứng trước nguy cơ mất nhà.

Khai thác cát không bền vững cũng làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông. BĐKH càng làm trầm trọng hơn những ảnh hưởng của khai thác cát không bền vững ở đây, làm gia tăng rủi ro xâm nhập mặn, triều cường, kéo theo mực nước biển dâng cao ở mức chưa từng có trước đây. Những áp lực môi trường này có thể phá hủy khả năng chống chịu, đe dọa nền nông nghiệp, kinh tế và đa dạng sinh học của vùng đồng bằng này.

Ông Lê Thanh Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, qua thống kê tháng 12/2021, khu vực ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610km.

Toàn vùng ĐBSCL có gần 30 hố xói sâu trên sông Tiền và sông Hậu, trong đó, tập trung ở các khu vực như Tân Châu, Châu Đốc (An Giang), Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Sa Đéc, Thanh Bình (Đồng Tháp). Các hố sâu này có những điểm xuất hiện âm hơn 40 mét và điều này rất nguy hiểm cho ổn định bờ sông…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở ở khu vực ĐBSCL, trong đó, có những nguyên nhân chính: Yếu tố dòng chảy, nhất là ở khu vực đoạn sông cong; yếu tố địa chất của khu vực bờ sông yếu, khả năng chống xói lở kém; việc xây dựng các công trình, hồ đập ở thượng lưu, dẫn đến giảm sút lượng bùn cát về ĐBSCL; vấn đề phát triển hạ tầng ven sông; giao thông thủy - phương tiện di chuyển quan trọng của người dân ĐBSCL...

Đặc biệt, việc khai thác cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, làm thay đổi dòng chảy dẫn đến gia tăng nguy cơ sạt lở. Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, cần có phương án quy hoạch chỉnh trị tổng thể hệ thống sông rạch lớn, đảm bảo vừa chống được sạt lở, vừa đảm được sự phát triển bền vững.

Theo một số ý kiến, cần thiết phải tìm vật liệu khác để thay thế cát trong phục vụ phát triển kinh tế, tránh khai thác cát quá mức như hiện nay…