Thời gian qua, Báo Kinh tế & Đô thị đã đăng tải các bài viết phản ánh về thực trạng trên. Thế nhưng, theo ghi nhận, hiện nhiều huyện, thị vẫn để tình trạng khai thác đất trái phép xảy ra, nhiều hầm đất trái phép vẫn lén mở, xe cuốc tiếp tục đào phá, xe chở đất vẫn ngày đêm tung hoành trên nhiều tuyến đường bê tông nhỏ đến quốc lộ…
Đáng chú ý, có điểm khai thác ngang nhiên diễn ra trên đất rừng phòng hộ biên giới trong thời gian dài, ngay mặt tiền đường, gần chốt dân quân, đồn biên phòng, đến khi báo chí vào cuộc phản ánh hoạt động thì mới dừng lại.
Điển hình là vụ khai thác trái phép nhiều héc ta đất xảy ra tại rừng phòng hộ Tà Thiết ở xã biên giới Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh mà báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phản ánh: “Bình Phước: Nhiều héc ta đất rừng tại Lộc Ninh bị khai thác trái phép".
Tại đây, do hoạt động khai thác đất diễn ra trong thời gian dài đã khiến một diện tích rừng khá lớn mất đất, biến thành rừng trọc, và nhiều ao hồ. Đất được ồ ạt chuyên chở qua địa phương khác tiêu thụ. Còn cơ quan bảo vệ rừng nơi đây lý giải cho hành vi vi phạm là: “Do người nhận khoán rừng thực hiện cải tạo mặt bằng để trồng cây”.
Cách lý giải này rất khó hiểu, bởi thực tế, với cái gọi là “cải tạo mặt bằng” tại điểm khai thác đang khiến mặt đất trở nên gồ ghề và sâu thẳm… cây khó trồng, khó phát triển dẫn đến rừng phòng hộ khó phát huy tác dụng phòng hộ.
Hay như vụ việc mới đây tại khu phố Thắng Lợi, thị trấn Tân Phú (huyện Đồng Phú), gần khu vực dân cư và đường giao thông lớn D2. Với điểm khai thác này, trước đó, từ phản ánh của người dân, sau đó phóng viên vào cuộc, xác minh...và báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phản ánh: “Bình Phước: Khai thác đất trái phép ngay trung tâm huyện nhiều năm, người dân bức xúc”, vào ngày 2/3/2024.
Sau khi bài viết đăng tải, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định chủ đất, người đứng ra khai thác là Vũ Xuân Nam. Hiện chính quyền cấp trên (UBND huyện Đồng Phú, UBND tỉnh Bình Phước) đã yêu cầu lãnh đạo thị trấn Tân Phú báo cáo cụ thể vụ việc, sau đó sẽ có phương án xử lý hành vi vi phạm của chủ đất và người khai thác theo đúng theo quy định pháp luật. Đồng thời quy trách nhiệm lãnh đạo địa phương, cán bộ phụ trách (nếu có sai phạm).
Ở một vụ việc khác, sau khi nhận phản ánh từ người dân về tình trạng đào bới, chuyên chở đất và lấn chiếm lòng hồ Cầu 38 (tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng) của một số cá nhân vào tháng 3/2023. Sau đó báo Kinh tế & Đô thị cũng đã ghi nhận và có loạt bài phản ánh. Ngay sau loạt bài, Chủ tịch huyện Bù Đăng đã vào cuộc xác minh và ra quyết định xử phạt những cá nhân vi phạm hàng trăm triệu đồng, đồng thời buộc trả lại hiện trạng; một vụ khai thác đất không phép khác xảy ra hồi tháng 9/2023 tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú...
Tuy nhiên trên thực tế, những người khai thác đất trái phép vẫn có nhiều “đất diễn”, còn các cơ quan, ban ngành sở tại lại không thể giải quyết triệt để?
“Hoạt động khai thác đất cần máy móc, xe ủi, xe cuốc và xe chuyên chở, tất cả diễn ra rần rần. Ở dưới có trưởng ấp, trưởng khu phố, dân quân, trên có cán bộ môi trường, địa chính, xây dựng và lãnh đạo xã, phường và đặc biệt là và tai mắt người dân hỗ trợ thêm, nên rất dễ phát hiện. Khi chúng tôi phát hiện và báo lên chính quyền, nếu vụ việc được xử lý thì lần sau xảy ra chúng tôi lại báo, còn ngược lại thì người dân dần coi đó là chuyện bình thường” – Ông Nguyễn Văn Tạo, người dân sống gần một điểm khai thác đất trái phép nói.
Một người dân khác tên là Nguyễn Thanh Tư nói: “Sau khi bắt quả tang vi phạm thì việc xử lý nhiều lúc chưa thực sự nghiêm, ít lâu sau lại tái diễn, vậy thì như “bắt cóc bỏ dĩa” dẫn đến nhờn, coi thường pháp luật”.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm những trường hợp khai thác đất trái phép, để đáp ứng nhu cầu về đất, Bình Phước cũng cần quy hoạch thêm những điểm khai thác, qua đó doanh nghiệp tham gia đấu giá, quản lý và khai thác gắn với bảo vệ môi trường, tránh ảnh hưởng tới người dân, công trình giao thông… đây cũng là “liều thuốc đặc trị” nạn khai thác đất trái phép.