Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai thác tiềm năng du lịch từ dự án khơi thông sông Cổ Cò

Hà Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong định hướng phát triển không gian đô thị về hướng Đông – Nam, TP Đà Nẵng đang chú trọng trong việc ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nạo vét dòng sông Cổ Cò để khai thác nhiều loại hình dịch vụ du lịch gắn liền với du lịch văn hóa tâm linh, tạo nên quần thể du lịch đa dạng với nhiều loại hình resort ven bờ sông, tham quan, nghỉ dưỡng, du thuyền.

Chiều 9/3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì nghe báo cáo tình hình triển khai các hạng mục đầu tư của dự án khơi thông sông Cổ Cò gồm: nạo vét lòng sông, kè gia cố dọc sông, cải tạo cảnh quan các tuyến đường ven sông, nâng cấp cầu Biện để bảo đảm tĩnh không cho thuyền du lịch.
 Mặt bằng vị trí sông Cổ Cò
Hạng mục nạo vét lòng sông gồm hai phân đoạn, phân đoạn 1 từ sông Vĩnh Điện đến cầu Biện, hiện do Công ty CP Địa Cầu thực hiện nạo vét tôn tạo cảnh quan và khơi thông; phân đoạn 2 từ khu vực cầu Biện đến giáp ranh giới Quảng Nam, cát nạo vét được bơm hút đến đắp cho 3 khu vực là vệt sử dụng đất ven sông Cổ Cò tại khu vực phía Nam dự án Khu đô thị FPT Đà Nẵng, dự án Khu tái định cư Đông Hải và dự án Khu tái định cư Tân Trà.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, sự phối hợp đồng bộ giữa hai địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai dự án; vì vậy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc rà soát lại các chỉ đạo của thành phố và tỉnh Quảng Nam liên quan đến dự án khơi thông sông Cổ Cò, làm rõ ranh giới và trách nhiệm của mỗi bên nhằm tránh tình trạng bị chồng lấn khi triển khai thực hiện.

Đây là trục cảnh quan để bảo tồn môi trường sinh thái tự nhiên, hài hòa với cuộc sống con người, cũng như việc khơi thông tuyến sông Cổ Cò sẽ làm cho thị trường bất động sản chạy khu vực này trở nên sôi động, thu hút nhiều nhà đầu tư. Ngoài ra, khơi thông dòng sông sẽ có tác dụng rất lớn đến khả năng thoát lũ cho các khu đô thị ven sông.

Dòng sông Cổ Cò là con sông chạy gần và song song bờ biển với nhiều khu resort cao cấp, từ bến sông Hàn đến bến Cửa Đại Hội An, lượn qua nhiều dự án phát triển du lịch và khu đô thị lớn, hiện đại: khu đô thị Nam Việt Á, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cocobay Đà Nẵng; sân golf Montgomerie Links, VinaCapital; khu đô thị Sea View, Công nghệ FPT, Phú Mỹ An… Dòng Cổ Cò sẽ uốn lượn qua núi Ngũ Hành Sơn với nhiều truyền thuyết và huyền thoại được người dân lưu truyền như sự tích hình thành 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Nơi đây có nhiều ngôi chùa cổ kính tựa lưng vào ngọn Kim Sơn, đặc biệt chùa Quán Thế Âm hướng ra dòng sông Cổ Cò.
 Phối cảnh Dự án Nạo vét khơi thông Sông Cổ Cò sau khi xây dựng hoàn thành
UBND TP Đà Nẵng đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục liên quan đến “kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Cổ Cò đoạn từ cầu Biện đến Khu đô thị FPT Đà Nẵng”, hiện Ban Quản lý đang lập kế hoạch triển khai thực hiện. Đối với dự án của các nhà đầu tư thì phần kè này do các nhà đầu tư triển khai thực hiện.

Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị liên quan tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì thực hiện việc rà soát, tổng hợp các nội dung liên quan đến dự án khơi thông sông Cổ Cò từ quy mô nạo vét lòng sông, xây dựng bờ kè, đến đề xuất nguồn vốn thực hiện, kế hoạch thực hiện.

UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, kiểm tra, đề xuất giải pháp lập lại trật tự hoạt động nạo vét lòng sông đoạn đi qua địa phận Đà Nẵng theo đúng quy định. Đồng thời yêu cầu các đơn vị được giao gửi báo cáo về Sở Xây dựng trước ngày 25-3 để Sở tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trước ngày 31-3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn nói.