Khai thác tiềm năng hai bên sông Hồng

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết từng khu vực chức năng, lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Để thực hiện cần có sự quyết tâm để giải quyết thách thức trong nhiều vấn đề, nhất là xác lập cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi kêu gọi đầu tư.

Sông Hồng đoạn chảy qua quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  
Sông Hồng đoạn chảy qua quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  

Vị thế sông Hồng trong phát triển Thăng Long - Hà Nội

Sông Hồng với chiều dài hơn 1.200km, qua Việt Nam gần 500km, qua Hà Nội chiều dài khoảng 160km, qua đô thị trung tâm khoảng 40km. Sự biến đổi dòng chảy của sông Hồng đã tác động đến phát triển Hà Nội. Ngay từ thời phong kiến, mở đầu là thời Lý đã tạo lập đê cục bộ để gắn kết với kinh thành. Thời Pháp thuộc đã tạo được hệ thống đê để khai thác mặt nước đồng bộ, nhất là giao thông thủy liên kết vùng. Quá trình nghìn năm đã tạo nên không gian khu vực hai bên sông Hồng không chỉ là đặc thù về cảnh quan thiên nhiên mà còn được bồi bổ thêm về giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử, kiến trúc.

Từ sau năm 1954 đến nay, không gian hai bên sông Hồng có chức năng ngày càng phong phú cả cảnh quan, phát triển kinh tế, văn hóa, nơi cư trú của một bộ phận không nhỏ cư dân. Từ hơn 30 năm qua đã có nhiều nghiên cứu về quy hoạch xây dựng hai bên sông Hồng với sự tham gia của cả trong và ngoài nước. Nhiều dự án của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cả hợp tác với nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italia…) đã đề xuất nhiều ý tưởng mới để phát huy giá trị khu vực hai bên sông Hồng. Từ an toàn thoát lũ, chỉnh trị lòng sông, giao thông thủy, giao thông ven sông, xây dựng không gian xanh, công viên đến xây dựng đô thị mới đa chức năng từ để ở đến dịch vụ thương mại, du lịch.

Sau mở rộng địa giới hành chính Hà Nội năm 2008, trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, đã có định hướng phát triển khu vực hai bên sông Hồng lên tầm cao mới. Đó là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Trong Luật Thủ đô (2013) cũng đã xác định "Không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị của Thủ đô phải được quản lý theo quy hoạch, bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy có hình thái kiến trúc, có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo lập không gian xanh của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên sông Hồng”.

Để thực hiện những định hướng trên, ngay từ tháng 10/2012, TP đã xác định nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đây là đồ án quy hoạch phức hợp, tích hợp đa ngành, chịu tác động của nhiều luật về xây dựng, quy hoạch đô thị, kiến trúc quy hoạch, phòng chống thiên tai, đê điều, quy hoạch vùng, quy hoạch phòng chống lũ…

Qua gần 10 năm nghiên cứu với sự tích cực của TP Hà Nội và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, sự tham gia của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, giới chuyên gia, cộng đồng, vào cuối tháng 3/2022 vừa qua UBND TP đã có quyết định 1045/QĐ - UBND phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô 11.000ha thuộc địa giới hành chính của 55 xã, phường thuộc 13 quận, huyện.

Trong đó ngoài diện tích mặt nước gần 3.600ha, còn khoảng hơn 7.000ha trong đó có hơn 5.000ha đất bãi, còn lại là đất ở dân dụng, đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, an ninh quốc phòng và di tích. Đây là quy mô đất lớn gần gấp 2 lần quỹ đất khu nội đô lịch sử. Kết quả này thể hiện sự năng động, quyết liệt của TP, tạo đột phá về diện mạo để Thủ đô phát triển bền vững. Đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người dân theo hướng văn minh, hiện đại.

Quy hoạch phân khu được duyệt đã tuân thủ yêu cầu thoát lũ. Các bãi sông được sử dụng lấy mục tiêu phòng chống lũ là mục tiêu hàng đầu, ứng dụng công nghệ mới để đảm bảo an toàn, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Các khu dân cư đủ diện tích để dung nạp quy mô 300.000 người (đến 2050), trong đó cải tạo, chỉnh trang cho khoảng 215.000 người, nhóm nhà ở xây dựng mới cho 85.000 người. Một số hộ dân trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực bị sạt lở, mất an toàn, khu có lũ lớn sẽ phải di dời. Các khu dân cư được tồn tại cải tạo đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo tồn đất dịch vụ, làng nghề, các công trình tôn giáo, di tích, công viên có chức năng đô thị, nông nghiệp hoặc tổng hợp.

Điểm đặc biệt về giao thông là xây dựng 2 tuyến đường dọc sông với mặt cắt ngang 40 - 60m phục vụ 8 - 10 làn xe. Nâng cấp tuyến đường đê qua nội đô thành đường liên khu vực có bề rộng 40 - 50m cho 6 - 8 làn xe. Xây dựng mới 7 cầu đường bộ qua sông như: Trần Hưng Đạo, Thượng Cát, Tứ liên, Hồng Hà, Mễ Sở… Cải tạo một số cảng hàng hóa, bến thủy như Khuyến Lương, Hà Nội, Chèm, Tàm Xá, Bát Tràng.

Quyết tâm cao với nhiều thách thức

Quy hoạch phân khu đô thị được duyệt là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết từng khu vực chức năng, lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Để thực hiện cần có sự quyết tâm để giải quyết các thách thức về nguồn lực đầu tư, về ứng dụng khoa học công nghệ, về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư và nhất là xác lập cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi kêu gọi đầu tư, sáng tạo cho không gian công cộng, liên kết với vùng, khu vực.

Trong quản lý thực hiện cũng phải có giải pháp cơ động để thích ứng với biến động về lũ lụt và biến đổi khí hậu. Trước hết cần quan tâm đến nguồn lực đầu tư, ngoài việc xã hội hóa rất cần có kế hoạch thực hiện và các dự án đầu tư ưu tiên, trước hết là thực hiện các dự án đảm bảo an toàn thoát lũ. Trong dự án phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội do Seoul (Hàn Quốc) và Hà Nội lập 2006 - 2007, đã dự toán tổng chi phí cho cả dự án là xấp xỉ 7,1 tỷ USD (bao gồm chỉnh trị sông, công viên, giao thông, cải tạo, bồi thường, tái định cư). TP cần tham khảo để có dự toán nguồn lực hợp lý cho quy hoạch phân khu đề xuất.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ cho khu vực sông Hồng, nhất là xây dựng công viên, cải tạo nhà ở, xây dựng công trình công cộng, khu vực có nhiều biến đổi về mực nước về dòng chảy, có nghiên cứu bước đầu, song thực tế trên thế giới đã có nhiều đổi mới nên rất cần có hợp tác quốc tế, chọn lựa kinh nghiệm phù hợp. Đề xuất, kêu gọi dự án đầu tư không chỉ căn cứ yêu cầu từ quy hoạch phân khu mà cũng nên tham khảo các dự án đã đề xuất trong nhiều năm qua, nhất là đầu tư, khai thác các bãi sông như: Khu đô thị Phúc Xá (Singapore), khu bãi giữa sông Hồng (Italia, Hà Lan, chuyên gia Việt Nam, trường Đại học Xây dựng), khu đô thị khoa học Tàm Xá (Indochina - Land Mỹ). Các dự án cải tạo khu An Dương, Chương Dương, Thạch Bàn, Phú Viên, Ngọc Thụy… do các tổ chức, DN Việt Nam đề xuất.

 

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo đột phá để khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông Hồng, nhằm xây dựng trục không gian trung tâm của Thủ đô. Hy vọng với sự linh hoạt, quyết liệt của TP, khu vực hai bên sông Hồng sẽ sớm trở thành hiện thực để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, xanh, thông minh, hiện đại, có sức hút và cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần