Khám chữa bệnh từ xa: Giấc mơ thành hiện thực

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã khiến ngành y tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy triển khai đề án khám, chữa bệnh (KCB) từ xa về đích sớm hơn. Từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, hàng trăm ca bệnh khó đã được hội chẩn từ xa, điều trị thành công. Nhiều bệnh viện (BV) rốt ráo triển khai đề án này.

Không phải lên tuyến trên điều trị

Ngay tại buổi khai trương Hệ thống Telehealth thuộc dự án KCB từ xa BV E, các nhóm chuyên gia, bác sĩ đầu ngành của BV đã hội chẩn trực tuyến với BV đa khoa Thái Bình, BV đa khoa khu vực Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; Trung tâm y tế (TTYT) huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Tại đầu cầu BV E, các bác sĩ đầu ngành đã hội chẩn, thảo luận cân nhắc kỹ để đưa ra chẩn đoán và phương án phẫu thuật, điều trị tốt nhất cho 3 ca bệnh khó tại 3 cơ sở y tế trên.
 Thay lại van tim nhân tạo bị thoái hóa cho bệnh nhân tại Bệnh viện E.
Theo GS Lê Ngọc Thành - Giám đốc BV E, từ nhiều năm nay, nhằm hỗ trợ các ca bệnh khó ở tuyến dưới, các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi của BV đã thực hiện tư vấn KCB, hội chẩn từ xa với các bác sĩ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber… để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu và kịp thời nhất cho người bệnh.
Hiện BV triển khai đề án KCB từ xa kết nối với gần 80 cơ sở y tế, trong đó có 21 BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, còn lại là các BV tuyến huyện và TTYT tuyến huyện, BV tư nhân. Có nhiều BV tuyến huyện vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn như Bù Đốp (Bình Phước), Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng, Nầm Pồ (Điện Biên), Nầm Nhùm, Sìn Hồ, Tam Đường, Than Uyên (Lai Châu)… đã được tham gia đề án này.

Tương tự, trước đó, BV Nhi T.Ư cũng đã đưa hệ thống hỗ trợ tư vấn KCB từ xa vào khám, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh cho trẻ em và đào tạo cán bộ y tế tại cơ sở theo hình thức trực tuyến.
“Nếu như trước đây, bệnh nhi mắc các bệnh lý phức tạp hầu hết đều chuyển tuyến trên, gây quá tải BV, tốn kém thời gian và tiền bạc đi lại thì hiện nay, nhiều ca bệnh đã can thiệp điều trị ở tuyến dưới nhờ vào tư vấn trực tuyến từ các chuyên gia hàng đầu của BV Nhi T.Ư” - Giám đốc BV Nhi T.Ư Lê Thanh Hải cho biết.
Mới đây, một bé gái 13 tháng tuổi (phường Nông Trang, Việt Trì, Phú Thọ) bị teo thực quản bẩm sinh đã được phẫu thuật tạo hình thực quản ngay tại quê nhà, nhờ hệ thống hỗ trợ tư vấn KCB từ xa giữa BV Nhi T.Ư và BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Hay tại điểm cầu của BV Sản Nhi Quảng Ninh, các bác sĩ xin ý kiến hội chẩn cho trường hợp bệnh nhân 23 ngày tuổi, bị hẹp van động mạch phổi. Qua hình ảnh siêu âm trực tuyến, TS Lê Hồng Quang - BV Nhi T.Ư chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp van động mạch phổi nặng và cho chỉ định điều trị, can thiệp bằng bóng qua da thành công.

Tại BV Đại học Y Hà Nội, đến nay cũng đã tổ chức khám, tư vấn, hội chẩn từ xa mỗi tuần hai lần cho 16 BV vệ tinh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, hiện nay chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động này. Vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể, đơn cử, việc thanh toán KCB bằng BHYT cho người bệnh sẽ thực hiện như thế nào, hay thanh toán chi phí đường truyền KCB trực tuyến cho các cơ sở y tế ra sao...

Dấu mốc quan trọng

GS.TS Lê Ngọc Thành khẳng định: Thực hiện KCB từ xa sẽ là dấu mốc khởi đầu quan trọng trong việc chuyển đổi số trong ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. KCB từ xa giúp nâng cao năng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, giúp người dân ở vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng.
Tính đến thời điểm này đã có gần 20 BV tuyến T.Ư kết nối KCB từ xa, trong đó BV Bạch Mai đã kết nối được 300 điểm cầu; BV Việt Đức kết nối gần 130 điểm cầu; BV Đại học Y kết nối với gần 200 điểm, BV E 80 điểm…
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc triển khai hệ thống KCB từ xa là bước phát triển mới hướng tới sự đồng bộ hoàn thiện hệ thống khám, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đa dạng của hệ thống y tế. Quyền Bộ trưởng nêu ra vấn đề chính cần phải giải quyết. Đó là làm thế nào để các BV tuyến dưới cũng như mọi người dân khi cần đều được hỗ trợ chuyên môn thường xuyên và khi cần thiết?
Quyền Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị quy định rõ trách nhiệm của BV từ T.Ư tới địa phương khi triển khai Đề án KCB từ xa. Từ đó, tiến tới xây dựng hệ thống khám bệnh online, khám bệnh qua thẻ BHYT, tin nhắn điện thoại.
Trước những băn khoăn của các tuyến y tế về chi phí KCB từ xa, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Vụ BHYT khẩn trương xây dựng cấu thành giá dịch vụ y tế, kết cấu trong BHYT để rõ ràng trong việc thanh toán, chi trả chi phí KCB cho người dân. Bên cạnh đó, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị y tế cũng như bệnh nhân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần