20 bảo vật quý lộ diện
Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được thực hiện trong nhiều năm qua, hướng tới xây dựng di sản số (E- Heritage) cho di sản văn hóa Việt Nam. Ngày 15/9, trong cuộc họp báo, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã giới thiệu không gian trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”. Theo TS Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ứng dụng công nghệ này giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Từ năm 2020, bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và hoàn thiện giới thiệu trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” với 20 bảo vật đang lưu giữ tại bảo tàng”.Hình ảnh 3D bảo vật quốc gia "Bia Điện Nam Giao". |
Trực tiếp tham quan trưng bày 3D, công chúng được tận mắt xem những bảo vật quốc gia như: “Ấn sắc mệnh chi bảo”, cuốn “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trống đồng Ngọc Lũ, mộ thuyền Việt khê, bia Điện Nam Giao… Trong mỗi phần giới thiệu bảo vật, công chúng có thể xem hình ảnh, video, tương tác với hiện vật và chơi các trò chơi gắn liền với kiến thức về hiện vật.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nội dung trưng bày về các bảo vật quốc gia được cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận. Theo đó, thông tin được giới thiệu với các cấp độ khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng, phù hợp với điều kiện thời gian, nhu cầu tra cứu thông tin từ khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu, tìm hiểu, nghiên cứu sâu (cấp độ giới thiệu chi tiết với các tài liệu, hình ảnh, clip, các bài nghiên cứu liên quan một cách sâu sắc, phong phú).Học lịch sử trực tuyếnTrong điều kiện giãn cách xã hội, học sinh không thể tham gia trực tiếp nên đã từng bước chuyển hướng sang hình thức online. Đây là hướng hoạt động phù hợp với thực tiễn, tạo sân chơi vui học bổ ích cho các em học sinh, góp phần quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa của dân tộc. Tháng 6/2021, bảo tàng đã gấp rút hoàn thành và đưa vào giảng dạy chương trình “Giờ học lịch sử online” chủ đề “Sáng mãi những tấm gương anh hùng, gồm 5 buổi học tìm hiểu về các tấm gương anh hùng nhỏ tuổi như Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bá Ngọc... Tính đến 30/8, Bảo tàng đã tổ chức được 275 buổi học với 5.360 lượt học sinh tham gia, gồm các đối tượng học sinh từ lớp 2 đến lớp 6 ở Hà Nội và các tỉnh thành như: TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cà Mau, Sơn La, Nghệ An.Học sinh tham gia giờ học lịch sử trực tuyến. |