Tới thăm làng cổ Báo Đáp, bất kỳ du khách nào cũng bị cuốn hút bởi quần thể di tích đình, miếu, chùa của làng. Đây là cụm di tích liên hoàn rộng 12.934m2, mang vẻ trang nghiêm và tĩnh lặng với vị trí đình ở phía trước, miếu bên phải đình hướng Tây Bắc, phía sau là chùa. Không chỉ tọa lạc trên một khu đất đẹp với thế đất là rùa rắn hình hợp, phía trước có ngũ nhạc, phía sau in dấu rùa, cụm di tích này còn có sông chảy xung quanh như chốn tiên cảnh.
Bởi vậy nên từ hàng trăm năm trước, người xưa đã hết lời ca tụng danh thắng này: “Ngũ nhạc án tiền danh thắng cảnh/Quy sà tả hữu tối anh linh”. Theo “Di văn” do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính Phụng soạn năm Hồng Phúc (1572), đình Báo Đáp tọa lạc trong một khuôn viên đất rộng bao gồm: Khu trung tâm với các hạng mục Đại bái, Trung cung và Hậu cung. Đây là nơi thờ phụng các vị thần Hậu thổ bản cảnh Thành hoàng, 2 vị thiên thần Chân Vũ Đại vương và Trương thiên Đại thánh cùng ông Nguyễn Văn Cộng – quan thời Nguyễn có công với địa phương. Miếu Báo Đáp được xây dựng vào thời Lê, thờ nhị vị Thành hoàng làng là Tề Thiên Đại Đế Quân và Hoằng Công Đại Vương. Hiện trong miếu vẫn lưu giữ 6 sắc phong có niên đại từ thời Lê và Nguyễn. Còn chùa Báo Đáp mang nội dung thờ tự kiểu “Tiền thánh, hậu Phật”, ngoài thờ Phật và phụng sự Phật pháp, trong thờ các vị thánh. Đặc biệt, quần thể di tích còn có những cây bồ đề gần ngàn năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm.
Nét văn hóa đặc sắc ở Báo Đáp còn thể hiện ở lễ hội rước thánh theo nghi thức đại đám được tổ chức vào ngày 15/2 (Âm lịch) hàng năm. Dịp này, du khách sẽ được hòa mình vào lễ hội hoành tráng có sự tham gia của hàng trăm người, được chuẩn bị trong nhiều tháng. Trong đó, người chủ tế và lực lượng phục vụ lễ rước kiệu được lựa chọn kỹ càng, với những tiêu chuẩn như: Gia đình nền nếp, phẩm chất đạo đức tốt, gia đình không có bụi tang... Đặc biệt, đội múa rồng phải thường xuyên luyện tập trước đó cả năm. Với những giá trị văn hóa, lịch sử cùng kiến trúc nghệ thuật độc đáo, Nhân dân thôn Báo Đáp vừa được đón 3 bằng di tích lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc cấp TP cho quần thể đình, miếu, chùa của làng. Đến khám phá làng cổ Báo Đáp, du khách còn có thể kết hợp tham quan các làng nghề thủ công truyền thống của người dân xã Kiêu Kỵ như: Dát vàng quỳ, làm mực nho và nghề may da.
Đình Báo Đáp.
|