Đền Nội thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển theo cha Lạc Long Quân xuống biển.
Đất Bình Đà bây giờ, cách biển không xa, chính là nơi Lạc Long Quân lệnh cho các con dừng chân dựng trại. Thấy thế đất lục long chiêu hội, lưỡng phương giao phi màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, bèn chọn làm nơi xây dựng cơ nghiệp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, lấn biển, làm nhà, đuổi diệt thú dữ, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi.
Chẳng bao lâu, cả vùng Bảo Cựu được coi là đất quý trở lên trù phú, tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi đổ về đất linh bái yết Long Quân, hình thành những làng xóm đầu tiên vùng châu thổ sông Hồng...
Để tưởng ghi nhớ công ơn của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, người dân đã lập đền thờ ở vị trí như hiện nay.
Đền tọa lạc trong khuôn viên 10.000 m2 trên thế đất Lục Linh Triệu hội lưỡng phượng giao phi. Cửa đền nhìn ra hướng Tây, đồng điền nhô lên Ba Gò (còn gọi là Bảo Hoa, Tam Thai) mang dáng hình hổ phục, nơi đây tương truyền là nơi táng mộ Lạc Long Quân.
Xa xa dòng Hát lung linh có màu cẩm thạch, đôi bờ mềm mại lúa ngô, trông lên Tản Viên vời vợi một màu xanh như thách thức với thời gian, nắng khát, mưa nhuần. Phía Nam dòng Đỗ Động bắt nguồn từ sông Hát như chiếc đai ngọc lượn vòng rồi xuôi giữa làng, trở thành long mạch linh thiêng, cồn lên hai thềm phù sa nuôi dưỡng dân sinh và trở thành dòng sông thiêng ân thầm qua các thế hệ. Kem theo đó, nước từ 6 hướng đổ về Đình Găng, Cầu Hội giống như những con rồng đang uốn lượn (lục long chầu Hội). Phía Bắc chùa Bụt Mọc nằm giữa mênh mang cánh đồng Cổ Lõi, nơi tiềm ẩn những di sản quý báu từ thời Hùng Vương dựng nước. Khí thiêng sông núi đã hội tụ về đây tạo nên vùng cát địa.
Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, có tường gạch bao quanh, hậu cung đặt long ngau Lạc Long Quân, cung đệ nhị đặt đồ thờ, tiếp đến là địa bái phương đình nơi đặt lễ. Hai bên tả mạc đường bệ bao lấy khu sân gạch rộng lớn, bốn mùa rợp bong cây xanh. Trước tiền môn là sân ngoài kề bên ao sen rộng 500m2 ngòa ngạt hương thơm. Những công trình này đều được xây dựng khang trang mang đậm bản sắc phương Đông.
Điều đáng quý trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị. Tiêu biểu phải kể đến bức phù điêu giá tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân hơn 1000 năm tuổi, với nhiều lớp hình ảnh được trạm khắc, truyền ngôn toát lên đầy đủ cảnh sinh hoạt thuộc về triều đại Hùng Vương.
Tục truyền, bức phù điêu được khởi dựng từ thời nhà Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự “Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ, người đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách, cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù điêu này”. Cùng với đó là khu Ao sen, cây quéo, giếng ngọc (có long mạch thông với thủy cung vươn xa về tận đất Thăng Long), nhà bia, miếu ông, trống đồng Đông Sơn Hêgơ1, gạch hoa văn xây mộ Quốc Tổ là các chứng tích cổ.
Từ ngày 24/2 đến mùng 6/3 âm Bình Đà mở hội và rước “bánh vía” để tưởng nhớ công ơn của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Lễ hội hàm chứa hàng loạt biểu tượng văn hóa, khởi nguồn truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân tới “Đức Quốc Tổ” người có công với dân với nước với làng xóm quê hương. Năm 2014 Lễ hội đền thờ Đức Quốc Tổ được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ra Quyết định công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dưới đây là một số hình ảnh di tích Đền Nội thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân:
Di tích Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân có kiến trúc độc đáo. Ảnh: Hồ Hạ. |
Khu Ao sen thuộc quần thể Đền Nội được ví như “lọ hoa” sống khổng lồ vào mùa hè. Ảnh: Hồ Hạ. |
Hai bên tả mạc đường bệ bao lấy khu sân gạch rộng lớn. Ảnh: Hồ Hạ. |
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân quanh năm rợp bóng cây xanh, là nơi tổ chức lễ hội Quốc Tổ Lạc Long Quân độc đáo. Ảnh: Hồ Hạ. |
Cửa Tiền Môn là cửa chính gồm 3 khoang chỉ mở vào ngày hội, hai cửa phụ hai bên được mở vào ngày thường, ngày Rằm và mùng Một. Ảnh: Hồ Hạ. |
Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, có tường gạch bao quanh, hậu cung đặt long ngau Lạc Long Quân, cung đệ nhị đặt đồ thờ, tiếp đến là địa bái phương đình nơi đặt lễ. Ảnh: Hồ Hạ. |
Trong Đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như: Thần phả, sắc phong, bia ký, chuông đồng, hoành phi, đồ tế tự… Ảnh: Hồ Hạ. |
Bức phù điêu giá tượng mẹ Âu Cơ tại đền Đức Quốc Tổ. Ảnh: Hồ Hạ. |
Bảo vật quốc gia Bức phù điêu giá tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân trên 1000 năm tuổi, được thờ trong hậu cung. Ảnh: Hồ Hạ. |
Năm 2014 Lễ hội đền thờ Đức Quốc Tổ được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ra Quyết định công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Hồ Hạ. |