Khám phá Nhà và Hầm D67 qua mobile

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nơi làm việc bí mật, chứng kiến những quyết sách chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư trong nhiệm vụ giải phóng miền Nam – Nhà và Hầm D67 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long được coi là “cung điện” ngầm của cách mạng Việt Nam.

Thay vì khám phá trực tiếp những giá trị di sản cách mạng còn nguyên vẹn, trong dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, tour tham quan ảo, trưng bày trực tuyến và các ứng dụng online sẽ giúp du khách có thể hình dung một cách toàn diện, hấp dẫn về di tích.
Mệnh lệnh gửi từ Tổng hành dinh
Với tour tham quan ảo 360 độ tại Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, du khách sẽ được khám phá toàn bộ di tích và Hầm D67 thông qua chiếc điện thoại hoặc máy tính. Từ việc bước vào Nhà D67 có phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư, phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng đến khám phá từng hiện vật của di tích.
 Phòng họp của Bộ Chính trị tại di tích Nhà D67. Ảnh: Công Hùng 
Đặc biệt, tour tham quan sẽ nhấn mạnh đến những câu chuyện, hiện vật liên quan đến các quyết sách của cơ quan đầu não của cách mạng Việt Nam tại Nhà và Hầm D67, một căn cứ bí mật nằm ngay giữa Thủ đô khiến quân địch hoàn toàn bất ngờ.
Du khách sẽ không quá khó khăn để khám phá hoàn cảnh ra đời của mệnh lệnh, tinh thần từ Tổng hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà D67) truyền tới các mặt trận cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam năm 1975. Nơi đó, các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ như Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng Lê Duẩn, Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng - Đại tướng Văn Tiến Dũng…
Tour tham quan sẽ thể hiện rõ phương châm tác chiến từ “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (18/3/1975), sang “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (31/3/1975) của Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư.
Tour tham quan cũng sẽ làm rõ quá trình thiết kế, xây dựng và hoạt động của cơ quan Tổng hành dinh. Những nhân chứng lịch sử đã từng làm việc tại Thành cổ Hà Nội đã nêu rõ quá trình thiết kế, thi công và đề cao vai trò, chức năng của các công trình Hầm D67 giai đoạn từ năm 1965 - 1975. Đây là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, Bộ Tổng Tư lệnh đã làm việc trên 7.000 ngày đêm với hơn 1.000 cuộc họp quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Số hóa bảo tồn di sản
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: Đây là lần đầu tiên Trung tâm ứng dụng phần mềm QR Code trong hoạt động trưng bày, phục vụ khách tham quan tại điểm Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67.
Trưng bày trực tuyến chuyên đề ''Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng''.
Kế hoạch ứng dụng phần mềm QR Code nói riêng và ứng dụng công nghệ nói chung cho hoạt động trưng bày, triển lãm sẽ được Trung tâm tiếp tục thực hiện trong những thời gian tiếp theo, nhằm phục vụ hiệu quả, nhu cầu của du khách khi đến tham quan Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Bên cạnh tour tham quan ảo, trưng bày trực tuyến chuyên đề “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị biên soạn và giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Cơ quan Tổng hành dinh (D67): Chứng tích thời đại Hồ Chí Minh”.
Cuốn sách được làm dưới dạng sách ảnh bình luận (commentary photo book), lựa chọn các bức ảnh tiêu biểu nhất về Di tích Nhà và Hầm D67 trước kia và hiện nay; ảnh tư liệu có giá trị lịch sử đặc sắc về quá trình xây dựng Nhà D67, các nhân vật và sự kiện trọng đại gắn với di tích; kèm theo các bình luận khoa học cùng với các câu chuyện sinh động trích ra từ hồi ký của các tướng lĩnh như Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái... hoặc phỏng vấn các nhân chứng còn sống. Sách được phát hành và bán thông qua web sách online vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam.
Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cách mạng kháng chiến tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; trong đó, di tích Nhà và Hầm D67 có giá trị lịch sử to lớn là chứng tích một thời lịch sử của dân tộc, là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải bảo vệ và gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

"Việc tạo ra tour tham quan ảo, trưng bày online và sách điện tử một phần để đông đảo du khách có thể dễ dàng tìm hiểu về di tích trong dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, mặt khác, đây là cách lưu giữ di sản." - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh