Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chính thức khai mạc vào tối 19/5, tại Công viên vườn tượng An Hội, TP Hội An. Fesival diễn ra từ ngày 19 - 22/5, nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của “Năm du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022”.
Trình diễn nghề xe tơ dệt lụa tại Festival.
Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất có gần 100 gian hàng cùng sự tham gia của hơn 60 nghệ nhân, thợ giỏi đến từ nhiều tỉnh/thành đại diện các vùng miền trong cả nước như: TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp…
Tại Festival, các nghệ nhân từ nhiều làng nghề sẽ tái hiện sinh động lại những giai đoạn phát triển của nghề. Qua đó, giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Quảng Nam nói riêng, các tỉnh thành đại diện cho từng khu vực trên cả nước nói chung.
Đây cũng là dịp để phát triển nghề truyền thống, sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trở thành hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế các tỉnh thành.
“Festival là cơ hội đặc biệt để các làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi và chủ thể doanh nghiệp chúng tôi được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối cung cầu với nhau. Đặc biệt, Festival được tổ chức ở đô thị cổ Hội An, nơi được nhiều du khách đến tham quan càng là một cơ hội quý báu để chúng tôi giới thiệu những sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương đến đông đảo du khách”, anh Hồ Tùng - nhân viên tại gian hàng tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Đến với Festival, du khách sẽ được khám phá hàng trăm sản phẩm đặc sắc từ khắp các làng nghề truyền thống trên cả nước như gốm Bát Tràng, Thanh Hà, dệt Thổ Cẩm, chiếu Nga Sơn… Bên cạnh đó còn có các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam như chè Quyết Thắng Đông Giang, sâm Ngọc Linh Nam Trà My…
“Các sản phẩm gốm có sức hút đặc biệt với tôi, trong đó có sản phẩm đất nung Lê Đức Hạ. Người bán giới thiệu đây là những sản phẩm được làm từ đất phù sa của con sông Thu Bồn lớn nhất xứ Quảng, và được nung trong ngọn lửa cả trăm độ C mới có được màu sắc khác lạ so với những nơi khác nên tôi mua một vài món về làm kỷ niệm”, anh Nguyễn Văn Sơn, du khách đến từ Bình Định chia sẻ.
Trong 4 ngày diễn ra Fesival, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt và trải nghiệm các hoạt động như làm gốm, dệt lụa, làm chiếu cói, tấu cồng chiêng...
Đáng chú ý, Fesival lần này có bộ đôi “Bách Thọ” do nghệ nhân Trần Độ đến từ làng gốm Bát Tràng tạo nên. “Sản phẩm này được mô phỏng từ cổ vật ở đền thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử. Trên thân bình là 100 chữ “Thọ” được viết theo 100 biến thể khác nhau, và được mạ vàng 24K với nhiều được nét được chăm chút tinh xảo để thu hút du khách”, nhân viên gian hàng gốm Bát Tràng chia sẻ.
“Bách Thọ” cùng với khung dệt gần 100 năm tuổi được rất nhiều người dân và du khách quan tâm chú ý tại Fesival lần này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đánh giá, sự kiện lần này đã thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, tạo cơ hội cho các làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi, chủ thể sản phẩm nghề được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối cung cầu.