Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẩn trương điều tra các vụ tranh giành ngư trường biển bằng súng tự chế

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan chức năng đang tập trung điều tra làm rõ nhiều vụ bạo lực trước tình trạng tranh giành ngư trường đang diễn ra trên vùng biển tỉnh Cà Mau. Các đối tượng đã manh động, sử dụng súng và bom xăng tấn công tàu cá của ngư dân

Một tàu cá của ngư dân bị tấn công trong vụ việc ngày 8/11/2023 (ảnh ngư dân cung cấp)
Một tàu cá của ngư dân bị tấn công trong vụ việc ngày 8/11/2023 (ảnh ngư dân cung cấp)

Bắn ngư dân, đốt tàu cá

Sáng ngày 6/1, tin từ UBND huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết, đã chỉ đạo công an huyện này phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành điều tra, xác minh vụ tàu cá cháy trên biển, nghi bị ném bom xăng vừa xảy ra trên vùng biển địa phương.

Thông tin ban đầu, khoảng 0h15 ngày 2/1/2024, tàu cá CM-91296-TS do ông T.H.P. (SN 1978, ngụ huyện Trần Văn Thời) làm thuyền trưởng và tàu CM-06377-TS đang neo đậu cách cửa biển Kinh Hội khoảng 12 hải lý về hướng Tây Nam. Lúc này, 4 đối tượng đi trên vỏ lãi composite (một loại phương tiện đường thủy nội địa ở địa phương) dùng chất cháy (nghi là bom xăng tự chế) ném vào trong ca bin và các vị trí khác trên tàu cá CM-91296-TS. Hậu quả, tàu cá CM-91296-TS bị cháy và chìm xuống biển. May mắn, 5 thuyền viên trên tàu được đưa sang tàu cá CM-06377-TS an toàn. Ước tính thiệt hại của vụ cháy khoảng 2 tỷ đồng. “Nguyên nhân vụ việc có thể do tranh chấp ngư trường khai thác thuỷ sản trên biển giữa các tàu cá”  -  nguồn tin cho biết thêm.

Một nạn nhân bị bắn (ảnh ngư dân cung cấp)
Một nạn nhân bị bắn (ảnh ngư dân cung cấp)

Như báo Kinh tế và Đô thị thông tin, trước đó vào khoảng 1 giờ 45 phút ngày 08/11/2023 tại khu vực tọa độ 08056’500’’N – 104012’500’’E thuộc vùng biển tỉnh Cà Mau, 3 phương tiện khai thác hải sản gồm phương tiện KG-94839-TS, KG-92790-TS và KG-62299-TS đang hoạt động thì bất ngờ bị hai phương tiện vỏ lãi Composite và một phương tiện ghe ốc tiếp cận. Sau đó, các đối tượng trên bất ngờ dùng bom xăng ném lên ba phương tiện khai thác hải sản rồi dùng súng tự chế bắn đạn chì bắn các thuyền viên. Do trời tối và hoảng loạn nên các thuyền viên trên ba phương tiện khai thác hải sản không nhận dạng được các đối tượng đã tấn công mình. Sau khi các đối tượng bỏ đi, thuyền viên trên ba phương tiện khai thác hải sản tiến hành dập lửa, sơ cứu người bị thương.

Vụ tấn công khiến ngư dân N.V.M (30 tuổi, ngụ TP Hà Tiên, Kiên Giang) bị bắn trúng chân, ngư dân L.T.V (45 tuổi, ngụ TP Phú Quốc) bị đạn chì bắn xuyên bắp chân, ngư dân Đ.V.Đ (51 tuổi, ngụ TP Hà Tiên) bị đạn chì bắn vào mặt.

Rạng sáng ngày 9/11/2023, 3 nạn nhân bị bắn bằng đạn chì trúng mặt và chân đã về đến TP Hà Tiên (Kiên Giang) và được đưa vào bệnh viện. Sau đó, 2 nạn nhân phải chuyển tiếp lên bệnh viện tuyến trên do bị thương nặng. Vụ việc đã được cơ quan chức năng xác định nghi phạm, đang tiến hành hoàn tất điều tra.

Do tranh giành ngư trường

Ngay sau khi xảy ra vụ việc đầu tiên, ngày 11/11/2023, ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau phối hợp Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, cùng các lực lượng khác khẩn trương điều tra xác minh vụ việc, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật để bà con ngư dân yên tâm bám biển.

Liên quan đến các vụ việc trên, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân ban đầu là do tranh giành ngư trường giữa các tàu cá. Theo các ngư dân, họ đã hoạt động bẫy ốc, mực tại ngư trường này khoảng 20 năm qua. Thời gian gần đây, có một nhóm đối tượng xuất hiện ngăn chặn họ khai thác. Các đối tượng này rất manh động. Họ đâm tàu vào tàu của ngư dân, dùng súng tự chế, nạng thun bắn thuyền viên. Nghiêm trọng hơn rạng sáng ngày 2/1, những đối tượng này đã đốt cháy rụi 1 tàu đang neo đậu, 5 ngư phủ thoát chết trong gang tấc.

Tàu cá bị đốt và đang chìm xuống biển trong đêm 2/1/2024 ở  vùng biển U Minh Cà Mau (ảnh ngư dân cung cấp )
Tàu cá bị đốt và đang chìm xuống biển trong đêm 2/1/2024 ở  vùng biển U Minh Cà Mau (ảnh ngư dân cung cấp )

Người dân cho biết, những đối tượng ngăn chặn họ đánh bắt là người địa phương. Các đối tượng này hoạt động có tổ chức. Hơn một tháng qua, gần như các ngư dân không thể khai thác. Ngoài tấn công, những đối tượng này còn đe dọa tính mạng thuyền viên và người thân, khiến họ rất hoang mang. Theo các ngư dân, do đêm tối nên không nhìn rõ được các đối tượng tấn công, tuy nhiên trước đó hai ngày có cãi nhau qua hệ thống điện đàm với các tàu cá gần đó vì tranh chấp ngư trường khai thác.

"Chúng tôi đi biển nên rất lo sợ, chỉ muốn làm ăn để nuôi sống gia đình mà ngư trường đánh bắt bị hạn hẹp, mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra những vụ việc này" - ông Tạ Đình Lộc, một chủ tàu cá tỉnh Kiên Giang lo lắng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện các cơ quan chức năng đang tập trung điều tra làm rõ, một số phương tiện và chủ phương tiện có liên quan đã được triệu tập để xác minh. Anh Phạm Văn Hoài, ngư dân ở xã Khánh Tiến huyện U Minh cho biết, trước đó vùng biển ở địa phương chưa từng xảy ra tình trạng bạo lực như trên.