Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẩn trương hỗ trợ trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã ra công điện đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trong mùa hè.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ở một số địa phương, nhiều trẻ em bị nhiễm Covid-19 và phải cách ly để tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, mỗi khi mùa hè đến, số trẻ em bị tai nạn, thương tích, đặc biệt bị tử vong do đuối nước lại tăng cao.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như chủ động ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 tới trẻ em và tích cực phòng ngừa tai nạn, thương tích, đặc biệt tai nạn đuối nước trẻ em trong mùa hè, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ra Công điện số 04/CĐ-LĐTB&XH tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trong mùa hè. Bộ LĐTB&XH đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khẩn trương triển khai Quyết định số 623/QĐ-LĐTBXH ngày 29/5/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH về việc hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19.
 Bộ LĐTB&XH đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khẩn trương  hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung. Ảnh: Internet.
Đồng thời sử dụng nguồn lực địa phương, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ kinh phí, đồ dùng thiết yếu và tăng cường dinh dưỡng cho số trẻ em nói trên với phương châm không một trẻ em nào rơi vào hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 mà không được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng tại địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm Covid-19, phòng, chống xâm hại trẻ em ở gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, khu công nghiệp và các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.
Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh và phòng, chống đuối nước trẻ em. Kịp thời thông tin, thông báo đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) các vấn đề, vụ việc, nhu cầu cần hỗ trợ.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo UBND các cấp chủ trì, phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục thực hiện việc phân công bàn giao, quản lý, giám sát trẻ em trong thời gian nghỉ hè hoặc không đến trường. Các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, cộng tác viên, tình nguyện viên triển khai việc rà soát các hộ gia đình, các vị trí mặt nước, hồ, ao, sông, suối, công trình công cộng, công trình xây dựng để phát hiện kịp thời các nguy cơ đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác; thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở, bảo đảm môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em.
Các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, thường xuyên quan tâm trông giữ, giám sát, bảo đảm an toàn cho trẻ em.
UBND các cấp căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 để tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.
Đặc biệt là tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em; chỉ đạo xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước gây tử vong trẻ em.