Hơn 1.600 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái
Số liệu quan trắc cho thấy, từ 19 giờ ngày 28/4 đến 19 giờ ngày 29/4, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 40 - 80mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Văn Chấn (Yên Bái) 134mm, Thọ Sơn (Phú Thọ) 85mm, Hòn Dấu (Hải Phòng) 88mm, Môn Sơn (Nghệ An) 98mm, Sơn Kim 2 (Hà Tĩnh) 123mm…
Từ 19 giờ ngày 29/4 đến 7 giờ sáng nay (30/4), khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to; lượng mưa phổ biến từ 20 - 50mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Phố Lu (Lào Cai) 75mm, Vàng Bó (Lai Châu) 54mm, Vị Xuyên (Hà Giang) 57mm, Mường Chà (Điện Biên) 88mm…
Mưa lớn, dông lốc chỉ trong hơn 1 ngày đêm qua tại nhiều tỉnh, TP đã gây thiệt hại lớn, đặc biệt là về nhà ở dân cư. Thống kê đến cuối giờ sáng nay (30/4) của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho thấy, đã có ít nhất 1.635 nhà dân bị hỏng mái, tốc mái. Trong đó, số lượng nhà dân bị thiệt hại tại các tỉnh cụ thể là: Cao Bằng 127, Lào Cai 122, Yên Bái 253, Phú Thọ 243, Điện Biên 113, Tuyên Quang 192, Thái Nguyên 585.
Mưa đá, dông lốc cũng gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất. Tại các địa phương đã ghi nhận 2.538ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 1.340 con gia cầm bị chết (chủ yếu tại tỉnh Thái Nguyên 1.200 con). 11 trường học bị ảnh hưởng; 40 cột điện gãy đổ cũng đã bị gãy, đổ do ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc chỉ trong hơn 1 ngày qua.
Theo dõi sát, cảnh báo kịp thời diễn biến thiên tai
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại. Lực lượng chức năng không quản ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, được huy động tối đa để hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.
Từ ngày 30/4 - 3/5, tại khu vực Bắc Bộ, chiều tối và đêm có mưa vài nơi. Riêng khu vực Tây Bắc, từ ngày 1 - 2/5, có mưa rào và dông rải rác. Trong khi đó tại phía Tây Bắc Bộ, trong hai ngày 2 - 3/5 dự kiến sẽ có nắng nóng cục bộ.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, hiện nay, diễn biến thiên tai còn rất phức tạp. Mưa dông, lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh được nhận định sẽ còn tiếp diễn cho đến ngày 3/5. Chính vì vậy, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, dù đang trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Trong những ngày tới, bên cạnh tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh theo nội dung Công văn số 135/VPTT gửi đến các địa phương trước đó.
Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân, khách du lịch cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trong đó, tập trung vào các biện pháp trú, tránh đảm bảo an toàn khi xảy ra dông, lốc, sét; gia cố, che chắn bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại...