Sau một buổi sáng với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và cởi mở, Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Thành ủy với đại biểu Hội Nông dân TP Hà Nội năm 2022 đã thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra và có tính xây dựng cao.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp xây dựng rất tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu, đặc biệt là kiến nghị với TP các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Lãnh đạo TP, các sở, ngành của TP đã có ý kiến trao đổi, chia sẻ, giải đáp trực tiếp những vấn đề, nội dung câu hỏi của nông dân; một số vướng mắc đã được thống nhất tháo gỡ ngay tại hội nghị; các nội dung khác đã có biện pháp tiếp tục giải quyết sau hội nghị, cơ bản đáp ứng mong muốn của bà con.
Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Nhấn mạnh về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nông dân, chủ trang trại, HTX và DN lĩnh vực nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp Hội Nông dân TP cần tập trung tuyên truyền định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” là "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Đề cao tầm quan trọng của phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao Hội Nông dân TP chủ động xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp giai đoạn 2023 - 2025” để trình UBND TP xem xét, phê duyệt triển khai thực hiện, nhằm giúp cho phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Đặc biệt, quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trở thành những nông dân chuyên nghiệp, là những hạt nhân dẫn dắt cho phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng người nông dân Thủ đô chuyên nghiệp gắn với khởi nghiệp sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở phải phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.
Song song với đó, tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tham gia xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích nông dân liên kết, tích tụ ruộng đất tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt, khẩn trương rà soát diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, không canh tác để có giải pháp giải quyết hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, HTX, tham gia liên kết với DN xây dựng cánh đồng lớn, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
“Các cấp Hội cần nghiên cứu, tổng hợp đề xuất, kiến nghị với Nhà nước, các ngành, chính quyền TP hoàn thiện về cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ, hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân” - Bí thư Thành ủy lưu ý.
Về mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao và môi trường sống xanh, Bí thư Thành ủy yêu cầu, trước mắt đề nghị UBND TP chỉ đạo UBND huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, định hướng phát triển nông nghiệp tại địa phương bám sát theo chương trình, kế hoạch của T.Ư, TP đã ban hành; Hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm, chỉnh trang đồng ruộng xanh, sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của người dân.
Đích đến là nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân
Nhấn mạnh đích đến cuối cùng và quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM và Chương trình 04 của Thành ủy đó là nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, nông dân chính là chủ thể và là trung tâm của Chương trình; là người tham gia, đóng góp xây dựng và thụ hưởng thành quả của nông thôn mới. Nông nghiệp phải được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
“Tôi kêu gọi nông dân Thủ đô, các cấp các ngành, các DN tiếp tục phát huy đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận, để cùng nhau xây dựng nông thôn Thủ đô khang trang hơn, giàu đẹp hơn, văn minh hơn và hướng tới những tiêu chí đô thị” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Về những kiến nghị, đề xuất của đại biểu nông dân tại hội nghị đối thoại, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo sở, ngành TP chủ động và tích cực tham mưu hướng dẫn thực hiện, đánh giá hiệu quả thực tế các chính sách hiện hành của TP; rà soát các quy định, cơ chế chính sách của T.Ư và TP; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn để các cơ chế, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực.
Nhất là các chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, DN, HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản sản phẩm (OCOP).
Các sở, ngành tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27 của UBND TP Hà Nội về tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân TP Hà Nội; hằng năm có bố trí ngân sách bổ sung cho hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện, thị xã để giúp cho nhiều hội viên nông dân được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Đối với các huyện, thị xã, Bí thư Thành ủy yêu cầu đẩy nhanh thực hiện các chương trình của TP về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề và dạy nghề cho lao động nông thôn; cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để Hội Nông dân TP xây dựng các loại mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu hội nhập. Quan tâm bố trí các nguồn lực để Hội Nông dân tham gia vào những mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn chất lượng cao và tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đối với Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Tài chính phối hợp với Hội Nông dân TP và các cơ quan học viện, viện nghiên cứu tham mưu đề xuất với UBND TP phê duyệt Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân tham gia xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái trải nghiệm”; Đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân”;
Đề án “Nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp”; Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân các cấp TP Hà Nội trong tham gia xây dựng phát triển và nâng cao hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế tập thể đến năm 2025” và Đề án “Hội Nông dân TP tham gia Chương trình xúc tiến, tiêu thụ nông sản an toàn của nông dân Thủ đô”.