Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, tập trung cứu trợ cho cư dân vùng lũ bị chia cắt

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những nội dung chỉ đạo được Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại cuộc họp về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3 diễn ra sáng 4/8.

 Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia nhận định tình hình mưa lũ sau bão 
Thông tin tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã báo cáo nhanh tình hình thiệt hại do mưa lũ sau bão số 3. Nghiêm trọng hơn cả là đã có 2 người chết và 13 người hiện còn đang bị mất tích. Lũ quét, sạt lở đất khiến hàng trăm nhà dân, chủ yếu ở tỉnh Thanh Hóa, bị hư hỏng nặng. Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp cũng bị ngập úng nặng. Trong đó, riêng Hà Nội đã có khoảng 885ha cây trồng bị ảnh hưởng năng suất.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định, mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chưa dừng lại, mà còn có khả năng kéo dài đến ngày 6/8. Sau những ngày mưa lớn diện rộng, kéo dài vừa qua, điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất tại các địa phương (bao gồm cả các huyện miền núi của TP Hà Nội).
Sau khi nghe báo cáo về tình hình công tác chỉ đạo, nhận định về dự báo khí tượng thủy văn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác triển khai quyết liệt của các lực lượng trong ứng phó cơn bão số 3, trong đó công tác dự báo, công tác thông tin truyền thông từ các cơ quan truyền thông đại chúng.
Đối với khắc phục hậu quả tại huyện Quan Sơn, Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Ban Chỉ đạo cử thêm 1 đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu trực tiếp vào Thanh hóa để phối hợp hỗ tỉnh này, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ: Tập trung cứu trợ và cung cấp lương thực, nước uống, điện sinh hoạt cho Nhân dân các bản bị chia cắt. Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, tiếp cận hỗ trợ, cứu trợ cho các khu vực bị chia cắt, cô lập tại tỉnh Thanh Hóa.
 Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp 
Bên cạnh đó, các tỉnh, TP tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị. Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông bị sạt lở. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục tăng cường công tác dự báo về diễn biến mưa lũ và có thông tin cảnh báo kịp thời.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến hồ Hòa Bình, các hồ đang thi công, lũ trên một số sông, suối; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, công trình xung yếu, bị sự cố và đang thi công.Sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực có nguy cơ cao và các cung đường thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở. Đồng thời, tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.