Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẳng định quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với tập trung các chính sách ngắn hạn nhằm giải quyết các thách thức trước mắt, cần nghiên cứu, ban hành bài bản các chính sách trung và dài hạn, nhất là đối với ổn định kinh tế vĩ mô, nợ công cũng như điều hành linh hoạt hơn tỷ giá, lãi suất…

Đó là những ý kiến được ghi nhận tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với nhóm chuyên gia tư vấn nhằm thảo luận các biện pháp triển khai hiệu quả nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 chiều 22/1.

 
Xăng, dầu là một trong những mặt hàng được công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá.  Ảnh: Quỳnh Anh
Xăng, dầu là một trong những mặt hàng được công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá. Ảnh: Quỳnh Anh
Phân công, phân nhiệm cụ thể

Năm 2014 tiếp tục được nhận định là năm mà kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối diện với không ít thách thức khó khăn. Đây cũng là năm mà ngay từ đầu năm, Chính phủ tiếp tục có riêng một Nghị quyết (01/2014/NQ - CP) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách. Với những giải pháp quan trọng trong việc điều hành tiền tệ linh hoạt, thực hiện tài khóa chặt chẽ kết hợp với tăng cường tiết kiệm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành… năm 2014 điều hành kinh tế sẽ tập trung chủ yếu vào việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, có mức tăng trưởng hợp lý. Những giải pháp này đã nhận được sự đồng tình cao của các chuyên gia kinh tế. Tại buổi làm việc, nhiều chuyên gia kinh tế cho ý kiến rằng, muốn phát triển bền vững, Chính phủ phải có quyết tâm trong việc tiếp tục kiên định, nhất quán các mục tiêu đã đề ra đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Trên cơ sở các phân tích tình hình kinh tế trong nước và thế giới, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần tập trung vào các chính sách ngắn hạn nhằm giải quyết thách thức trước mắt, đồng thời cần nghiên cứu, ban hành bài bản các chính sách trung và dài hạn, nhất là đối với ổn định kinh tế vĩ mô, nợ công… Nhiều ý kiến cũng đề nghị phải đưa ngay Nghị quyết 01 của Chính phủ vào cuộc sống với sự phân công, phân nhiệm cụ thể từ các bộ, ngành đến các địa phương và cập nhật thường xuyên kết quả triển khai để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Tiến tới công khai, minh bạch

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của nền kinh tế trong thời gian qua, nhóm chuyên gia tư vấn cũng chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, bên cạnh những quyết sách trong điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt hơn; giải quyết kịp thời các vướng mắc về thủ tục, pháp lý và cơ chế nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng… các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường tính minh bạch và kỷ luật hành chính; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cụ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay, xử lý nợ xấu và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, tập trung cho phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết từ nhóm chuyên gia, Thủ  tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm nay, Chính phủ quyết tâm tạo bước chuyển rõ nét trong công tác quản lý giá và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhất là chấm dứt tình trạng Nhà nước phải bù lỗ giá hàng hóa; Nhà nước chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá xăng, dầu, than, điện để Nhân dân giám sát và từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và giáo dục… Cùng với những giải pháp trên, Chính phủ cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các đối tác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thêm động lực để đẩy mạnh cải cách ở trong nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và tăng cường dân chủ trong kinh tế.