Trước khi bước vào phiên bế mạc, các đại biểu sẽ dành một phút mặc niệm để tỏ lòng thương tiếc các nạn nhân bị thiệt mạng do động đất, thiên tai, hoả hoạn tại Marocco, Lybia và Việt Nam mới đây.
Tại phiên bế mạc, sau tóm tắt của 3 Phiên thảo luận, Hội nghị nghe trình bày và thông qua Tuyên bố Hội nghị về Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Cũng tại phiên họp, Ngài Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới và Ngài Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã có bài phát biểu bế mạc Hội nghị
Thanh niên là chủ thể tham gia chuyển đổi số
Trình bày báo cáo Tọa đàm tăng cường năng lực số cho thanh niên đã diễn ra chiều ngày 14/9 tại Nhà Quốc hội Việt Nam, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, tọa đàm là cơ hội tốt để thanh niên Việt Nam, nghị sĩ trẻ các nước chia sẻ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của năng lực số trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Đồng thời, thông qua những phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm tại Tọa đàm, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thêm những gợi ý để tham khảo trong quá trình tổ chức các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực số cho thanh niên thời gian tới…
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận những vấn đề lớn liên quan tới năng lực số của thanh niên và thống nhất cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Trong đó, lực lượng có điều kiện thuận lợi nhất để làm tốt việc chuyển đổi số bởi đặc trưng sáng tạo, khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ và dễ dàng chấp nhận những cái mới. Trong chuyển đổi số, thanh niên là chủ thể tham gia thực hiện chuyển đổi số, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng kết quả mang lại từ chuyển đổi số.
Từ nhận thức đúng đắn về vai trò, sứ mệnh và sức mạnh của tuổi trẻ, thời gian qua thanh niên đã chủ động, tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia và đã tạo ra được nhiều giá trị tích cực. Các cấp lãnh đạo, các tổ chức thanh niên đã hỗ trợ, tạo thêm môi trường thuận lợi để thanh thiếu niên nâng cao năng lực số của bản thân và có những đóng góp hết sức cụ thể cho cộng đồng.
Về đề xuất giải pháp tăng cường năng lực số cho thanh niên thời gian tới, các ý kiến cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền để thanh niên hiểu những tác động của chuyển đổi số đối với sự phát triển của nhân loại, sự hoàn thiện của mỗi cá nhân và vai trò cần thiết của năng lực số đối với thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số. Cùng đó, chia sẻ các mô hình, giải pháp hiệu quả trong nâng cao năng lực số cho thanh niên. Từ nhận thức đúng đắn, thông tin đầy đủ, kịp thời thanh niên mới có hành động tích cực, thiết thực.
Sử dụng công nghệ AI để nâng cao chất lượng lập pháp
Trình bày báo cáo tổng kết Chuyên đề số 1 về "Chuyển đổi số", đại biểu Quốc hội Việt Nam Hoàng Minh Hiếu cho biết, Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm của các nước trong xây dựng luật pháp, chính sách cũng như những thành tựu đạt được trong chuyển đổi số và vai trò của các nghị sĩ. Đồng thời, đề nghị nghị viện các quốc gia cập nhật các quy định và phương pháp làm việc của nghị viện cho phép các nghị sĩ tham gia trực tuyến nhiều hơn, tận dụng các nền tảng tương tác tạo điều kiện giao tiếp trực tiếp toàn diện giữa cử tri và đại biểu, thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của các nhóm, đặc biệt là giới trẻ.
Đảm bảo tất cả các nghị sĩ được trang bị kiến thức cần thiết và hỗ trợ kỹ thuật để tham gia đầy đủ vào quá trình; tăng cường sử dụng hỗ trợ trợ lý ảo để hỗ trợ các nghị sĩ; sử dụng các công cụ AI để nâng cao chất lượng công tác lập pháp; phát triển các văn bản quy phạm pháp luật.
Ban hành các chính sách để ngăn chặn và ứng phó với bất kỳ hình thức quấy rối và bạo lực nào được hỗ trợ bởi công nghệ đối với các thành viên quốc hội, bao gồm cả bạo lực đối với các nữ nghị sĩ...
Khuyến khích khởi nghiệp, sáng kiến đổi mới trong thanh niên
Tổng kết Chuyên đề 2 về Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, đại biểu Trần Khánh Thu nêu rõ, qua thảo luận Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng chính sách, pháp luật cũng như những thành tựu của họ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cũng như vai trò của các nghị sĩ trong quá trình này.
Việt Nam đề nghị các nghị viện tăng cường hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, bao gồm việc xây dựng và phát triển khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tăng ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp do thanh niên lãnh đạo và có sự tham gia của thanh niên, các doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng kiến đổi mới của thanh niên.
Đồng thời thúc đẩy các chương trình giáo dục cung cấp các kỹ năng cần thiết cho thanh niên để chuẩn bị cho thế hệ các doanh nhân tiếp theo, tập trung vào hỗ trợ kỹ năng kỹ thuật số; Khuyến khích IPU xem xét các giải pháp khả thi trong các cơ cấu hiện có để tham gia vào các vấn đề đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, khuyến khích khởi nghiệp và sáng kiến đổi mới trong thanh niên, sinh viên, phụ nữ, đồng thời tăng cường lồng ghép giới, gắn kết họ với SDGs, xây dựng một chương trình riêng cho đổi mới kỹ thuật số và khởi nghiệp.
Cần thiết lập khuôn khổ pháp lý về đạo đức trên không gian mạng
Báo cáo tổng kết Chuyên đề số 3 “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”, đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Hà thông tin, qua phiên thảo luận, nghị viện các nước cần phát triển cách tiếp cận chung của nghị viện nhằm thiết lập một khuôn khổ các nguyên tắc, giá trị trong việc ra quyết định, nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ, chẳng hạn Bộ Quy tắc ứng xử của IPU về đạo đức khoa học và công nghệ, nhằm đảm bảo việc phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ được thực hiện có trách nhiệm, có đạo đức vì mục tiêu phát triển bền vững và tôn trọng đa dạng văn hóa.
Cùng đó, nghị viện các nước cần thiết lập khuôn khổ pháp lý về đạo đức và ứng xử trên không gian mạng nhằm ngăn chặn bạo lực, lạm dụng trực tuyến đối với các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Tăng cường lòng tin trên cơ sở thúc đẩy đối thoại liên văn hóa và tôn trọng sự đa dạng văn hóa, kiến thức bản địa với tư cách là một động lực cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng và chung sống hòa bình.
Thế hệ trẻ cần tạo ra thay đổi, nâng cao hiểu biết số
Phát biểu tại phiên bế mạc, ngài Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) bày tỏ cảm ơn Quốc hội Việt Nam về đón tiếp chu đáo, tích cực, trọng thị dành cho các phái đoàn, qua đó tổ chức thành công hội nghị rất lớn này.
Nhấn mạnh chúng ta đang gặp nhiều thách thức trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, ngài Duarte Pacheco cho biết: Trong 7 năm tới, chúng ta có rất nhiều việc phải làm để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả nhân loại. Chúng ta cần quyết tâm thực hiện những điều đã cam kết.
Theo ngài Duarte Pacheco, thế hệ trẻ cần tạo ra thay đổi, thúc đẩy khoa học, đổi mới sáng tạo, dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho công nghệ, nâng cao hiểu biết số, có phản ứng phù hợp để bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. IPU, các thành viên ban lãnh đạo, ban thư ký IPU luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nghị sĩ trẻ hành động. Vì vậy, hế hệ trẻ cần hành động mạnh mẽ, không bỏ cuộc, chạy đua với thời gian, làm việc chăm chỉ, phối hợp chặt chẽ để quyết liệt triển khai những gì đã cam kết, tạo ra những kết quả đáng tự hào.