Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển: Vị thế, khát vọng và triển vọng

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo khoa học 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu bổ sung những vấn đề mới, thông tin khoa học đối với nguồn tư liệu về Khánh Hòa trên chặng đường dài 370 năm xây dựng và phát triển...

Ngày 31/3, Chính quyền Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo khoa học 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023).

Khoảng 300 đại biểu tham dự Hội thảo là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả, doanh nhân, nhà quản lý trong và ngoài nước có những công trình nghiên cứu, bài viết với những góc nhìn đa chiều để tham gia tổng kết thực tiễn về vấn đề bảo vệ, xây dựng và phát triển của Khánh Hòa trong 370 năm qua.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu... trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trung Nhân.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu... trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trung Nhân.

Hội thảo còn là dịp cho nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả, doanh nhân, nhà quản lý nghiên cứu, bổ sung những vấn đề mới, bổ sung những thông tin khoa học đối với nguồn tư liệu về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của Khánh Hòa trên chặng đường dài 370 năm xây dựng và phát triển; đề xuất những giải pháp với những luận cứ khoa học và thực tiễn, thiết thực phục vụ cho sự phát triển của Khánh Hòa.

Ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Hội thảo đã nhận được 146 bài viết, tham luận của các vị nguyên lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực trong cả nước; các cơ quan, ban ngành của tỉnh, các địa phương.

Các bài viết có những góc nhìn đa chiều về lịch sử, về địa lý - môi trường - thiên nhiên, về giáo dục - đào tạo, về nguồn nhân lực, về con người, về kinh tế phát triển, kinh tế biển, văn hóa, quốc phòng, an ninh, về Trường Sa, về công tác tư tưởng, xây dựng Đảng, về đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế. Đồng thời, các tham luận phác thảo những định hướng, mục tiêu lớn để Khánh Hòa tiếp tục phấn đấu đạt được kết quả cao trong giai đoạn tiếp theo.

PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân.
PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã tập trung làm rõ các vấn đề như: giá trị di sản, bản sắc văn hóa của Khánh Hòa trong chiến lược phát triển văn hóa đất nước và hội nhập quốc tế; tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phân tích các bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đi sâu phân tích về vị thế chiến lược của tỉnh Khánh Hòa  trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vấn đề phát triển kinh tế biển ở Trường Sa; vấn đề mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa; vấn đề đào tạo, thu hút, xây dựng đội ngũ trí thức để phục vụ cho nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới…

Nổi bật là các tham luận: Khánh Hòa - vị thế, khát vọng và triển vọng (PGS.TS Trần Đình Thiên); Khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế biển (PGS.TS Nguyễn Chu Hồi); Khánh Hòa phát triển kinh tế đối ngoại trong tiến trình hội nhập quốc tế (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển), Khơi dậy những giá trị lịch sử 370 năm và khát vọng xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa giàu đẹp và văn minh (nhà sử học Dương Trung Quốc), Định hình bản sắc văn hóa Khánh Hòa trong chiến lược phát triển văn hóa đất nước và hội nhập quốc tế (TS Nguyễn Viết Chức)…

Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, lợi thế của Khánh Hòa có nhiều điểm khác biệt so với nhiều địa phương khác, không chỉ về quy mô, phạm vi mà quan trọng hơn ở tính đặc sắc và  đẳng cấp.

Tuy nhiên, ông cho rằng, Khánh Hòa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức mặc dù năm 2022 địa phương này đã có sự phát triển triển đột phá. Năm 2022, GRDP Khánh Hòa tăng trưởng 20,7%, đây là mức tăng cao nhất cả nước và cao nhất trong lịch sử tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân.

Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, con số 370 năm mà hôm nay chúng ta chọn để kỷ niệm chỉ là một cái mốc đối của lịch sử.

Tuy nhiên, Kỷ niệm 370 năm ngày thành lập Khánh Hòa cũng chính là cơ hội để chúng ta kiểm kê lại một cách sát sao những tài nguyên và tài sản của quá khứ, gắn với những giá trị phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại, sẽ giúp ích cho công cuộc phát triển của Khánh Hòa và cả nước cùng tiến trình hội nhập với thế giới ở thời đại mà khoa học công nghệ phát triển vô cùng mạnh mẽ.

"Chính những di sản của quá khứ sẽ là bệ đỡ để sự tiếp nhận và hội nhập có cơ sở phát triển một cách bền vững trên mảnh đất Khánh Hòa" - ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

Ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, hầu hết các chuyên đề báo cáo tại Hội thảo đều có liên hệ, đề cập, đề xuất việc triển khai, vận dụng thực hiện các nội dung lớn của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị “về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Nguyễn Khắc Toàn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân.
Ông Nguyễn Khắc Toàn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân.

Về số lượng, Ban Tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận và biên tập 66 tham luận, vượt 38 tham luận so với số lượng tham luận dự kiến. Ngoài ra, Ban Tổ chức Hội thảo còn tiếp nhận hơn 80 tham luận của các giáo viên, trí thức trong và ngoài tỉnh. Việc biên tập sẽ giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thực hiện sau Hội thảo.

“Vấn đề xử lý thông tin, tiếp thu, triển khai, vận dụng các tri thức mà Hội thảo cung cấp là vô cùng quan trọng. Vì vậy, tôi đề nghị sau Hội thảo hôm nay, Ban Tổ chức Hội thảo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh khẩn trương tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học, hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết Hội thảo. Trên cơ sở đó, báo cáo, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục biên tập các bài tham luận có chất lượng của các tập thể, cá nhân gửi về để in thành kỷ yếu; chuyển đến các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất, giải pháp mà các nhà khoa học đã nêu, từ đó, vận dụng sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở từng địa phương, đơn vị” – ông Nguyễn Khắc Toàn đúc kết Hội thảo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần