Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khánh Hòa: Cứu nạn nhóm ngư dân trôi dạt trên biển 10 ngày bằng thuyền thúng

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trôi dạt trên biển gần 10 ngày, nhóm ngư dân trên tàu cá Bình Thuận không thức ăn và nước uống. Ba người không qua khỏi phải nằm lại dưới biển, 4 thuyền viên khác được cứu sống và 8 người vẫn đang mất tích.

Chiều 21/7, tàu Cảnh sát biển 7011 đã đưa 4 thuyền viên bị nạn của tàu BTh - 97478 TS về cảng của Hải đoàn 32, Vùng Cảnh sát biển 3, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Tàu Cảnh sát biển 7011 đưa 4 ngư dân gặp nạn vào bờ. Ảnh: Trung Vũ.
Tàu Cảnh sát biển 7011 đưa 4 ngư dân gặp nạn vào bờ. Ảnh: Trung Vũ.

Theo Cảnh sát biển, 4 thuyền viên được cứu sống đưa về đất liền gồm Hà Văn Tấn (50 tuổi), Nguyễn Thành Luyến (36 tuổi), Trần Theo (55 tuổi) và Trần Văn Thanh (54 tuổi) cùng ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Ngay sau khi lên bờ, các ngư dân đã được Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đưa đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Ninh Hòa để chăm sóc y tế. Những người này đã qua cơn nguy kịch nhưng thân thể bị suy kiệt nặng. Riêng ông Trần Văn Thanh bị liệt hai chân, không ăn được.

Ông Thanh được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng liệt hai chân, sức khỏe suy yếu.
Ông Thanh được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng liệt hai chân, sức khỏe suy yếu.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Thuận cũng cử cán bộ phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa để tiếp nhận 4 lao động gặp nạn.

Trước đó, tàu cá BTh - 97478 TS do chủ tàu Bùi Văn Toàn (50 tuổi, trú phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) làm thuyền trưởng cùng 14 ngư dân ra khơi từ ngày 21/6.

Ông Trần Theo kể lại, ngày 10/7, tàu đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa thì gặp sóng lớn đánh úp, các thuyền viên nhảy xuống biển và lên 2 thuyền thúng để thoát thân.

“Thuyền thúng của tôi có 7 người, thuyền thúng còn lại 8 người nhưng nay đã mất tích. Do trên thúng không có nước uống và đồ ăn nên 3 người trên thúng của tôi đã chết trước đó. Chúng tôi uống nước mưa để cầm cự” – ông Theo nghẹn ngào.

Ông Trần Theo kể lại vụ việc. Ảnh: Trung Vũ.
Ông Trần Theo kể lại vụ việc. Ảnh: Trung Vũ.

Trong khi đó, ông Luyến cho biết, ba người bị mất trên thuyền thúng là hai anh ruột và người chú của của ông. "Nhìn mọi người kiệt sức rồi lịm dần ai cũng đau lòng. Nếu có ít đồ ăn và nước uống thì chúng tôi có thể cầm cự được thêm vài ngày” – ông Luyến nói.

Như vậy, hiện vẫn còn 11 lao động của tàu cá BTh - 97478 TS chưa tìm thấy, trong đó có 8 lao động trên 1 thuyền thúng và 3 thi thể ngư dân xấu số thả trôi trên biển. Hiện nay, máy bay trực thăng của Quân chủng Hải quân, tàu cảnh sát biển cùng các tàu cá đang nỗ lực tìm kiếm ngư dân của tàu cá BTh-97478 TS mất tích.

Lực lượng Cảnh sát biển và chính quyền địa phương tặng quà hỗ trợ các ngư dân may mắn thoát nạn. Ảnh: Trung Vũ.
Lực lượng Cảnh sát biển và chính quyền địa phương tặng quà hỗ trợ các ngư dân may mắn thoát nạn. Ảnh: Trung Vũ.

Trước đó, khoảng 13 giờ ngày 19/7, tàu cá của ông Lê Thanh Toàn (38 tuổi, xã Hoài Nhơn) đang trên đường đánh bắt ngoài khơi trở về Bình Định thì phát hiện từ xa có một thuyền thúng trôi vô định trên biển. Trên thúng có gắn một que sào dài treo chai nhựa, bao bóng và một số mảnh vải như để làm ký hiệu cầu cứu.

Lúc bấy giờ, sóng cao 2-3m, gió mạnh khoảng cấp 5, ông Toàn và các thuyền viên tiếp cận thuyền thì phát hiện 4 người nằm gục tại thuyền thúng. Ông Toàn cùng các thuyền viên sơ cứu cho các nạn nhân uống sữa, ăn cháo, nhưng không ai ăn nổi vì quá mệt mỏi. Đồng thời, phát tín hiệu cầu cứu vào đất liền.

Theo cơ quan chức năng xác định tín hiệu cuối cùng trên dữ liệu giám sát hành trình của tàu Bình Thuận phát lúc 5 giờ 7 ngày 10/7 ở vị trí cách đảo Phú Quý 84 hải lý (khoảng 155 km) và cảng Phan Thiết 126 hải lý (233 km).

Nhiều ngày qua, lực lượng chức năng điều 11 tàu, hai máy bay tham gia tìm kiếm trong điều kiện thời tiết gió Tây Nam cấp 5-6, sóng biển cao 2-3 m. Trong đó, có ba tàu của biên phòng, cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III và 8 tàu cá ngư dân.

Đại úy Lê Khánh Hải kể lại sự việc. Ảnh: Trung Vũ.
Đại úy Lê Khánh Hải kể lại sự việc. Ảnh: Trung Vũ.

Đại úy Lê Khánh Hải – Thuyền trường tàu Cảnh sát biển 7011 cho biết, khi nhận được thông có ngư dân gặp nạn trên biển đã nhanh chóng lên đường với tốc lực cao nhất để cứu nạn, bất chấp điều kiện khí hậu sóng to gió lớn.

“Khi tiếp cận tàu cá Bình Định nhưng sóng lớn vì vậy chúng tôi không thể đưa người bị nạn lên tàu Cảnh sát biển để đưa vào bờ. Do đó, chúng tôi phải cử lực lượng y tế qua tàu Bình Định hỗ trợ sức khỏe cho các ngư dân bị nạn và đi theo tàu cá Bình Định khoảng 15 giờ để vào vùng biển đứng gió mới đưa ngư dân lên tàu vào đất liền cấp cứu”.