Khánh Hòa: Đẩy nhanh tiến độ triển khai cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài 83,35 km đang được UBND tỉnh Khánh Hòa tập trung tháo gỡ khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong – Nha Trang (cao tốc Vân Phong - Nha Trang) thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án do Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Khánh Hòa đang tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Ảnh: Trung Nhân.
Khánh Hòa đang tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Ảnh: Trung Nhân.

Cao tốc  Vân Phong - Nha Trang dài 83,35 km (đi qua địa bàn 4 huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa) có tổng mức đầu tư 11.808 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã, thuộc huyện Vạn Ninh và điểm cuối kết nối điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm.

Để triển khai dự án, diện tích đất phải thu hồi khoảng 616 ha với 2.790 hộ bị ảnh hưởng (196 hộ phải tái định cư) và di dời hạ tầng kỹ thuật 164 vị trí.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa, đến nay đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tổng số trường hợp đã chi trả của toàn dự án khoảng 2.542/2.790 trường hợp, đạt 91,11%. Kết quả bàn giao mặt bằng của toàn dự án khoảng 564 ha/616 ha đạt 91,58%, tương ứng với 75,25/84,014 km đạt 89,88%.

Khánh Hòa bàn giao mặt bằng toàn dự án khoảng 564 ha/616 ha đạt 91,58%, tương ứng với 75,25/84,014 km đạt 89,88%. Ảnh: Trung Nhân.
Khánh Hòa bàn giao mặt bằng toàn dự án khoảng 564 ha/616 ha đạt 91,58%, tương ứng với 75,25/84,014 km đạt 89,88%. Ảnh: Trung Nhân.

Hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB vẫn đang gặp một số vướng mắc như, đối với phần diện tích đất điều chỉnh, bổ sung do điều chỉnh ranh giới dự án cần phải thực hiện các thủ tục đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất.

Cùng với đó là ban hành quyết định điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và điều chỉnh các quyết định thu hồi đất. Việc này dẫn đến mất nhiều thời gian để thực hiện làm chậm tiến độ so với thời gian quy định.

Ngoài ra, một số trường hợp hiện nay đang có đơn xem xét nâng giá đất cụ thể để tính bồi thường và xem xét được giao đất ở có thu tiền sử dụng đất mới đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện dự án đang gặp vướng mắc lớn về di dời hạ tầng kỹ thuật khi chỉ có 3/20 hạ tầng được di dời. Đặc biệt là các hạ tầng đường dây truyền tải điện quốc gia (điện 220kV, 110kV) có yêu cầu cao, phức tạp về thiết kế và trình tự thủ tục.

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định khi di dời phải đặt ngoài phạm vi GPMB của dự án (trong phương án tổng thể GPMB chưa có phần GPMB để làm công trình hạ tầng kỹ thuật sau di dời).

Do vậy, phải tiến hành lập hồ sơ thu hồi đất, bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất, bồi thường hỗ trợ theo quy định pháp luật mất nhiều thời gian dẫn đến không đảm bảo tiến bộ thực hiện dự án.

Việc di dời hạ tầng kỹ thuật hiện vẫn đang gặp khó. Ảnh: Trung Nhân.
Việc di dời hạ tầng kỹ thuật hiện vẫn đang gặp khó. Ảnh: Trung Nhân.

Liên quan đến các vấn đề trên, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác GPMB để bàn giao cho nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ thực hiện cao tốc Vân Phong - Nha Trang như cam kết.

Trong đó, các địa phương cần ưu tiên những điểm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công của các nhà thầu, tập trung vào di dời hạ tầng kỹ thuật, hiện còn nhiều vướng mắc.

Liên quan đến các mỏ vật liệu phục vụ dự án, Ban Quản lý dự án 7 đề xuất thêm 3 vị trí, ông Trần Hòa Nam đề nghị Ban Quản lý dự án 7 khẩn trương báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường những vướng mắc để sớm thẩm định phê duyệt khai thác.

Ông Trần Hòa Nam cho biết, UBND tỉnh sẽ có những cuộc họp tiếp theo để tháo gỡ khó khăn về việc xác định giá đền bù cây Dó bầu; đền bù điện mặt trời áp mái. Ngoài ra, UBND các huyện xây dựng tiến độ di dời từng công trình hạ tầng kỹ thuật điện cao thế để họp cùng Sở Công thương và các đơn vị, nhằm đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, trình thẩm định.