Sẽ hình thành một "đại đô thị" cận sân bay
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm. Theo đề xuất, huyện Cam Lâm có diện tích tự nhiên hơn 550km2, dân số 105.759 người, bằng 10,5% diện tích và 8,7% dân số toàn tỉnh.
Cam Lâm hiện có thị trấn Cam Đức là đô thị loại V. Đây là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển khi nằm giữa TP Nha Trang và TP Cam Ranh. Phía Đông huyện này tiếp giáp biển Đông, với bờ biển dài 13km và các hướng còn lại giáp các huyện và thành phố lân cận.
“Với vị trí địa lý thuận lợi, Cam Lâm có vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi các đô thị gồm: Nha Trang, Diên Khánh và Cam Ranh, tạo thành cấu trúc đô thị đa dạng, với mỗi đô thị mang tính đặc thù riêng, bổ trợ lẫn nhau, tạo thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành hệ thống đô thị khung cho đô thị Khánh Hòa trong tương lai, đảm bảo sự liên kết, đồng bộ, khai thác hiệu quả hạ tầng vùng, liên thành phố. Khu vực này thuộc vùng phát triển đô thị sân bay, trung tâm tài chính, du lịch sinh thái, công nghiệp của vùng và của tỉnh” - Sở Xây dựng Khánh Hòa thông tin.
Cam Lâm hội đủ mọi yếu tố để trở thành đại đô thị cận Sân bay quốc tế Cam Ranh. (Ảnh: Trung Vũ) |
Thực tế cho thấy, Cam Lâm là địa phương có các tuyến đường giao thông Quốc gia huyết mạch đi qua (chẳng hạn như đường sắt, đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 1A - PV). Đặc biệt, Cam Lâm tiếp giáp với Sân bay quốc tế Cam Ranh và Cảng Cam Ranh.
Ngoài ra, huyện này còn có Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đang hoạt động và tiếp tục phát triển mạnh mẽ với khoảng hơn 40 dự án du lịch, resort nổi tiếng, thu hút lượng lớn du khách trong nước quốc tế…
Cũng theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, để phát huy hiệu quả tiềm năng và phát triển huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh, Sân bay quốc tế Cam Ranh trong tương lai, mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thống nhất nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu phát triển huyện Cam Lâm theo hướng trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế”.
Theo đó, ngày 30/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Thông báo số 208 đồng ý chủ trương lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và nghiên cứu một phần TP Cam Ranh. Đồng thời, UBND tỉnh này cũng đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần của TP Cam Ranh. Mục tiêu là phát triển tại đây một đô thị mới theo mô hình đô thị sân bay, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái có quy mô dân số tương đương đô thị loại 1, làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; đồng thời đề xuất bổ sung vào quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhà đầu tư nên thận trọng
Theo giới đầu tư bất động sản, với vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng du lịch, hạ tầng phát triển đồng bộ cùng với những kế hoạch phát triển để trở thành một "đại đô thị sân bay" trong tương lai, Cam Lâm đang hội tủ các yếu tố để trở thành "tâm điểm" của thị trường bất động sản Khánh Hoà. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa (KAREB) cho rằng, ngay từ giai đoạn 2017 - 2019, Cam Lâm đã là địa phương có giá đất tăng cao hơn hẳn so với các khu vực lân cận TP Nha Trang.
Theo Chủ tịch KAREB, xuất phát từ sự biến động theo chiều hướng tăng của giá đất, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Cam Lâm, "phong trào" chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô, rao bán đất nền diễn ra khá mạnh mẽ, nếu không muốn nói là "loạn xạ". Thực trạng khiến chính quyền huyện Cam Lâm đã phải có những cảnh báo đến nhà đầu tư và người dân nói chung. Lúc đầu, tình trạng này tập trung ở xã Cam Hải Tây và thị trấn Cam Đức, sau đó mở rộng ra xã Cam Thành Bắc (chủ yếu quanh khu vực đầm Thủy Triều - PV).
Chủ tịch KAREB cho rằng, thị trường bất động sản Cam Lâm hấp dẫn nhưng nhà đầu tư nên thận trọng trước khi quyết định ''xuống tiền''... (Ảnh minh hoạ: Trung Vũ) |
“Tại Khánh Hòa đã từng xảy ra sốt đất tại khu vực Bắc Vân Phong khi khu vực này được đề xuất quy hoạch thành đặc khu kinh tế. Hậu quả đến nay vẫn khiến không ít nhà đầu tư phải "ngậm trái đắng". Nhìn rộng ra thì, mới đây tình trạng sốt đất tại khu vực Bình Ba (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hay khu vực sân bay Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận)... cũng đã khiến nhiều nhà đầu tư “ôm hận” khi quyết định "nhảy vào ôm đất" tại những khu vực chưa rõ quy hoạch. Thiệt hại thường đến với nhà đầu tư mới và ít kiến thức về đất nền, quy hoạch… Thông thường, khi “cơn sóng” bất động sản qua đi, họ sẽ là những người thiệt hại đầu tiên vì buộc phải bán cắt lỗ hoặc chôn vốn tại những lô đất khó thanh khoản. Chính vì vậy, khi mọi thứ chưa rõ ràng, nhà đầu tư nên hết sức thận trọng...” - ông Quý phân tích.
Theo ông Trần Đình Quý, thông tin "một tập đoàn lớn" muốn đầu tư vào Cam Lâm, cộng hưởng với việc chính quyền tỉnh Khánh Hòa vừa có đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần của TP Cam Ranh đã khiến giá đất khu vực này tăng bất thường; nhiều khu vực tăng 30% thậm chí hơn 50% so với trước tháng 10/2021.
Cũng theo Chủ tịch KAREB, Cam Lâm là khu vực “hấp dẫn” vì hội đủ tất cả tiềm năng để phát triển bất động sản du lịch, bất động sản đô thị… Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên đầu tư vào các dự án có tính pháp lý ổn định, hoặc các dự án do các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường đang triển khai; tránh mua phân lô bán nền lợi bất cập hại.
Ngày 15/11, ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đã ký văn bản về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và quản lý đất đai trên địa bàn. Theo đó, để chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND xã phường tăng cường kiểm tra, giám sát, việc sử dụng đất, xây dựng trái phép, tình trạng san lấp mặt bằng, cải tạo, sử dụng đất sai mục đích; công bố công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch điển dân cư, quy hoạch sử dụng đất… và công khai thông tiên các dự án đã được phê duyệt. |