Khánh Hòa hướng đến nuôi biển công nghiệp kết hợp du lịch

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia cho rằng, Khánh Hòa có đủ tiềm năng để phát triển nuôi biển công nghiệp kết hợp du lịch. Tuy nhiên, để triển khai cần sớm có quy hoạch nuôi biển.

Ngành kinh tế tỷ đô

Chiều 26/4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp cùng Tổng Cục Thủy Sản và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) tổ chức Hội thảo phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Khánh Hòa. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành Thủy sản và các chuyên gia quốc tế.

Hội thảo phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Khánh Hòa thu nhiều chuyên gia đầu ngành. (Ảnh: Trung Vũ)
Hội thảo phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Khánh Hòa thu nhiều chuyên gia đầu ngành. (Ảnh: Trung Vũ)

Tại Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch VSA cho rằng, du lịch tiến đến đâu thì thủy sản lùi đến đấy, tuy nhiên nếu kết hợp được hai lĩnh vực này thì sẽ tạo được nguồn thu lớn. Như tại Mỹ, nuôi biển kết hợp du lịch đã thu về 82 tỷ USD trong năm 2020.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng, nếu nuôi biển đảm bảo mỹ quang, môi trường thì một số vùng biển Việt Nam, trong đó có vùng biển tỉnh Khánh Hòa có thể tích hợp nuôi biển kết hợp du lịch. Do đó, ông đề nghị cần lập quy hoạch không gian biển cả, xây dựng đề án phát triển nuôi biển công nghiệp Khánh Hòa. Đồng thời, cơ quan chức năng cần giao khu vực biển lâu dài cho tổ chức, cá nhân nuôi biển. Song song đó, cơ quan chức năng cần có tiêu chuẩn và quy chuẩn trại nuôi, vật liệu nuôi an toàn.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Dũng, để thu hút đầu tư cần có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển; chính sách bảo hiểm nuôi biển, chương trình đào tạo nhân lực nuôi biển; xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu, chứng nhận xuất xứ, thiết lập Chương trình kiển soát môi trường và an ninh biển; xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ nuôi biển.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Vũ).
PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Vũ).

Trong khi đó, ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng vụ Nuôi trồng Thủy sản - Tổng Cục Thủy sản cho biết, diện tích nuôi biển Việt Nam năm 2010 đạt 38.800ha, năm 2021 là 75.000 ha với tốc độ tăng trường bình quân đạt 23,3%/năm (chưa tính 202.000 ha nuôi xen ghép các đối tượng khác) với 8 triệu m3 lồng. Theo đó, sản lượng năm 2010 là 156.681 tấn, năm 2021 là 750.000 tấn tập chung chủ yếu ở cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm và rong biển…

Theo ông Trần Công Khôi đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 ngành nuôi biển tại Việt Nam đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Trong đó, diện tích nuôi đạt 300.000ha và thể tích lồng nuôi đạt 12 triệu m3. Sản lượng đạt 1.450.000 tấn kim ngạch xuất khẩu hải sản nuôi đạt 1,8 - 2 tỷ USD (năm 2030).

Tuy nhiên, ông Khôi cũng nhận định việc nu ôi trồng hiện nay còn tự phát, sản xuất giống còn hạn chế và điều kiện thiên nhiên còn khắc nghiệt và cần vốn lớn để đầu tư. Ngoài ra, nhân sự của ngành còn thiếu và chuyên môn chưa cao. Do đó, nếu Khánh Hòa muốn phát triển nuôi biển gắn với du lịch phải tổ chức tốt công tác quy hoạch để đảm bảo cảnh quan môi trường, cũng như tránh xung đột ngành nghề và hướng đến đào tạo nhân sự ngành.

Cần sớm có quy hoạch nuôi biển

Trong khi đó, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh vơi khoảng 64.500 ô lồng, sản lượng thu được trên 1.300 tấn. Ngoài ra, nhóm cá biển như cá chẽm, cá mú, cá bớp, các chim vay vàng… với khoảng 9.740 lồng với tổng sản lượng 8.000 tấn… Ông Bản cũng cho biết, người dân chủ yếu nuôi trồng theo phương phát truyền thống, lạc hậu.

Ông Lê Tấn Bản cũng cho rằng không có quy hoạch không thể thực hiện được công nghệ nuôi biển kết hợp du lịch. Tuy nhiên, Giám đốc Sở NNPTNT Khánh Hòa cũng cho biết, hiện đang có doanh nghiệp tài trợ Khánh Hòa lập quy hoạch kinh tế biển và khi quy hoạch hoàn thành sẽ giải quyết được một số vấn đề nêu trên.

Mô hình nuôi trồng thuỷ sản mới bền vững ở vùng biển nhiệt đới đã được Chính phủ Mỹ công nhận tại tỉnh Khánh Hòa. (Nguồn: Tổng lãnh sứ quán Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh)
Mô hình nuôi trồng thuỷ sản mới bền vững ở vùng biển nhiệt đới đã được Chính phủ Mỹ công nhận tại tỉnh Khánh Hòa. (Nguồn: Tổng lãnh sứ quán Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh)

Chia thêm về kinh tế biển, PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn - Phó Chủ tịch VSA  cho rằng các ngành kinh tế biển hiện đang mâu thuẫn với nhau như du lịch - nuôi trồng, hàng hải - thủy sản, bảo tồn - khai thác thủy sản, du lịch - bảo tồn. Tuy nhiên, ông Tuấn nhận định nhiều năm qua vẫn lãng phí không gian rộng lớn trên biển, lãng phí về thời gian sử dụng mặt nước và tình trạng tự phát cũng như thiếu hiệu quả quản lý, nhếch nhác và ô nhiễm môi trường.

Theo ông Tuấn, để kinh tế biển phát triển, trong đó nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch cần thay đổi hiện trạng nuôi lạc hậu - tự phát và có sự phát triển bài bản tham gia của doanh nghiệp lớn. PGS. TS. Tuấn cũng đề nghị nuôi biển nên kết hợp du lịch - nuôi công nghiệp và tự nhiên.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi biển, ông Jossh Goldman - CEO Công ty Australis - một trong những công ty nuôi và chế biến các chẽm lớn nhất thế giới đang hoạt động tại vịnh Vân Phong - Khánh Hòa cho biết, nuôi trồng thủy sản có thể mâu thuẫn với du lịch.

Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các hệ thống nuôi trồng thủy sản hiện đại, không có tác động tiêu cực đến môi trường và vùng biển của vịnh Vân Phong có thể kết hợp phát triển du lịch. Điều này không chỉ có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn mà còn có thể tạo ra những cơ hội mới, cho khách du lịch trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên của khu vực và tìm hiểu hệ thống nuôi trồng bền vững đẳng cấp thế giới cũng như giải quyết bài toán lao động cho địa phương.

 

Ông Arne- Kjetil Liam - Tham tán thương mại, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam cho biết, chính quyền Na Uy cấp giấy phép miễn phí cho các trang trại nuôi cá trên biển kết hợp du lịch (trang trại biểu diễn) đây là một trong những chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, để có được giấy phép này các doanh nghiệp phải đấu giá và giấy phép được hoạt động trong 10 năm.

Đến nay, Na Uy đã cấp 30 giấy phép, hiện đã có 27 dự án đi vào hoạt động và 3 dự án đang triển khai. Để được cấp phép, doanh nghiệp phải có nguồn lực kinh tế lớn, kiến thức nuôi biển và sẵn sàng tổ chức cho du khách tham quan. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép đều là doanh nghiệp hàng đầu tại Na Uy.

Trong đó, đơn vị cấp phép là Tổng Cục Thủy sản nhưng địa điểm để triển khai sẽ do địa phương quyết định. Chính quyền Nauy cũng tính toán đến khoảng giữa các trang trại biểu diễn để tạo hiệu quả trong việc thu hút du khách. Các trang trại biểu diễn thường được triển khai trong khu vực du lịch để thu hút thêm du khách bên cạnh học sinh các trường học và người dân địa phương.