Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khánh Hòa: Nhân sự ngành du lịch chưa muốn quay lại nghề

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là mảng lưu trú, khách sạn tại Khánh Hòa đang gặp khó để giải bài toán nhân sự khi thị trường khách trong nước và quốc tế chưa thực sự ổn định.

Chưa muốn quay lại ngành

Ngày 9/3, trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang cho biết, hiện nhiều khách sạn, resort tại Khánh Hòa đang khó khăn khi tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị mở rộng hoạt động khi du lịch mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn nhất thời.

Ông Phạm Minh Nhựt cho biết, trước dịch, resort MerPerle Hòn Tằm có hơn 600 nhân sự hoạt động để phục vụ du khách. Từ sau Tết Nguyên Đán, MerPerle Hòn Tằm tích cực tuyển dụng nhưng đến nay chỉ tuyển được khoảng 200 nhân sự hoạt động thường xuyên.

Nhiều khách sạn, resort đã chủ động tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị khi du lịch mở cửa hoàn toàn vào dịp hè 2022. (Ảnh: Trung Vũ).
Nhiều khách sạn, resort đã chủ động tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị khi du lịch mở cửa hoàn toàn vào dịp hè 2022. (Ảnh: Trung Vũ).

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, nguyên nhân chính dẫn đến việc khó tìm nhân lực trong giai đoạn này vì nhiều người hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã chuyển đổi nghề nghiệp khi ngành này đóng cửa gần hai năm qua và hiện họ đã ổn định với công việc mới. Bên cạnh đó, một số nhân sự khác chưa muốn quay trở lại ngành này vì chưa thấy sự ổn định thực sự và nguồn khách chưa phục hồi như trước dịch.

“Việc chuyển đổi ngành nghề là khá phổ biến khi du lịch đóng cửa thời gian dài. Thực tế, hiện các resort và khách sạn tại Khánh Hòa chỉ hoạt động mạnh vào cuối tuần và các ngày lễ nên doanh nghiệp không thể tuyển dụng lượng nhân viên lớn như trước đây. Để thích nghi, ngoài việc tuyển dụng nhân sự khung, chúng tôi còn tuyển thêm các nhân sự thời vụ.” – ông Minh Nhựt cho biết.

Chị Võ Như Quỳnh – từng làm việc tại một khách sạn 4 sao trung tâm TP Nha Trang chia sẻ: “Ngay khi dịch bệnh bùng phát, khách sạn tôi làm việc đã cắt giảm biên chế, sau đó là cắt giảm lương và cuối cùng là đóng cửa. Sau nhiều tháng thất nghiệp, tôi đã trải qua nhiều công việc để xoay xở cuộc sống. Hiện với nghề môi giới bất động sản, tôi thấy thu nhập khá ổn. Sau khi du lịch đóng cửa, nhiều đồng nghiệp của tôi cũng “nhảy” qua làm môi giới bất động sản. Nếu du khách đến Khánh Hòa nhiều như trước đây chúng tôi sẽ trở lại nghề".

Cũng như chị Như Quỳnh, nhiều người từng làm nghề du lịch cho biết, họ còn yêu nghề nhưng thu nhập của ngành du lịch bấp bênh nên tạm “nhảy” việc qua mảng trái chuyên môn để đảm bảo cuộc sống.

Chuẩn bị nhân sự khi mở cửa hoàn toàn 

Ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa (thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa), Giám đốc Khách sạn Ariyana Nha Trang cũng cho rằng, việc nhân sự ngành du lịch chưa muốn trở lại ngành do thu nhập không được như trước.

“Nhiều nhân sự đã thay đổi ngành nghề và trong thời điểm này có thể ổn định hơn ngành du lịch. Nên dù nhiều người còn yêu nghề nhưng họ vẫn cân nhắc việc quay lại. Thực sự, ngành du lịch đã mở cửa nhưng thị trường chỉ đạt mức 50-70% như trước đây nên cần thời gian nữa và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong thời điểm hiện tại có thể khâu tuyển dụng gặp khó khăn nhưng chỉ là nhất thời” – ông Võ Quang Hoàng cho hay.

Du khách nước ngoài đến Khánh Hòa. (Ảnh: Ngọc Anh).
Du khách nước ngoài đến Khánh Hòa. (Ảnh: Ngọc Anh).

Ông Võ Quang Hoàng chia sẻ, hiện khách sạn Ariyana Nha Trang đang hoạt động cố định 70 nhân sự gần bằng 1/3 số nhân sự thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát (220 người) và vẫn đang tuyển dụng. Để đảm bảo phục vụ khách chu đáo, khách sạn dự phòng một số nhân viên cũ làm công nhật và sinh viên thực tập, khi có khách đột biến thì gọi theo từng nhóm để đảm bảo phục vụ khách.

“Có một thực tế, trong hai năm qua, nhiều nhân sự ngành du lịch đã tìm được công việc khác. Tuy công việc mới có thể có mức lương không bằng hoạt động trong ngành du lịch nhưng lại có tính ổn định cao. Với những ngày làm nguyên công, thu nhập ngành du lịch vẫn cao nhưng không đều. Bên cạnh đó, một số khách sạn chọn phương án tuyển dụng theo hướng khoán việc hoặc hợp đồng thời vụ để giảm chi phí cho doanh nghiệp nên nhiều người chưa thực sự muốn quay lại với nghề.

Hiện doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn như tiến hành đăng tuyển, tiếp nhận hồ sơ và liên kết với các trường, khoa du lịch, nhân viên cũ để khi thị trường khách hàng ổn định là có ngay lực lượng để hoạt động” – ông Võ Quang Hoàng cho hay.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa Phạm Minh Nhựt cũng cho rằng, vấn đề nhân lực du lịch không quá lo lắng khi du lịch phát triển mạnh. “Hiệp hội và Sở Du lịch vẫn thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng nhân sự. Ngoài ra, hiện nguồn nhân lực tại các trường có khoa Du lịch khá chất lượng. Nguồn nhân lực cũ quay lại ngành sẽ được đào tạo lại trong thời gian ngắn là có thể bắt tay vào việc ngay” – ông Phạm Minh Nhựt cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, định hướng trong việc xây dựng sản phẩm đặc thù của du lịch Khánh Hòa, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, nhằm xây dựng đội ngũ lao động chất lượng, chuyên nghiệp cho địa phương. Hiện nay, Sở Du lịch tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở lớp về ngoại ngữ, nghiệp vụ quản lý khách sạn chất lượng cao, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch…