Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khánh Hoà: Phát triển hạ tầng sông Cái, kỳ vọng thay đổi diện mạo TP Nha Trang

TRUNG VŨ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều công trình hạ tầng với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng vào khu vực sông Cái, TP Nha Trang, kỳ vọng làm thay đổi diện mạo TP biển này.

Hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng
Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa (QLDA) mới đây đã tổ chức khởi công 4 công trình trọng điểm với giá trị 710 tỷ đồng thuộc dự án Môi trường bền vững các TP duyên hải (CCSEP) - Tiểu dự án TP Nha Trang. Dự án được thực hiện dựa trên sự thống nhất tài trợ của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam từ năm 2017.
Thời gian tới Nha Trang sẽ có 3km đường ven sông Cái bắt đầu tư điểm giao với đường Trần Phú (Ảnh: Trung Vũ).
Đáng chú ý là hạng mục xây dựng đường và kè dọc sông Cái với diện tích xây dựng khoảng 12ha, tổng vốn đầu tư 271 tỷ đồng. Dự án này bắt đầu từ đường 2/4 nối vào đường Vành đai 2 và Đập ngăn mặn với chiều dài 2,3km, kè dọc sông Cái dài 1,9km; cảnh quan dọc bờ kè. Thời gian thực hiện hợp đồng 15 tháng kể từ ngày khởi công. Cùng với đó là hạng mục Xây dựng đường Chử Đồng Tử và kè bờ Bắc sông Cái dài gần 423m, giá trị hợp đồng gần 36 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 16 tháng kể từ ngày khởi công.
Trước đó, tháng 9/2020, Ban QLDA Phát triển tỉnh Khánh Hoà cũng đã khởi công dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái (Nha Trang) với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 760 tỷ đồng. Dự án được xây dựng cách cầu Đường Sắt 75m về phía hạ lưu, thuộc phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, dự kiến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, ông Châu Ngô Anh Nhân - Trưởng ban QLDA cho biết, khi đập ngăn mặn trên sông Cái hình thành sẽ cải thiện điều kiện giao thông qua sông Cái theo đường Vành Đai 2, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho TP Nha Trang, giữ mực nước, cải tạo môi trường sinh thái và phục vụ giao thông thủy, phát triển du lịch dọc sông Cái; điều tiết một phần dòng chảy sang phía sông Tắc, sông Quán Trường để cải tạo môi trường đô thị cho phía Tây và Nam thành phố Nha Trang.
Riêng dự án xây dựng đường và kè dọc sông Cái, khi hoàn thành không chỉ cải tạo cảnh quan, môi trường, tăng cường khả năng thoát lũ và chống sạt lở khu vực này mà con tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch và đặc biệt các dự án, khu dân cư gần khu vực này sẽ hưởng lợi.
Hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư các công trình hạ tầng ven sông Cái - Nha Trang (Ảnh: Trung Vũ).
"Khi dự án đường và kè dọc sông Cái hoàn thành sẽ kết nối một tuyến đường ven sông Cái thông thoáng với điểm đầu là nút giao đường Trần Phú – đường Xóm Cồn đi qua cầu Hà Ra (khoảng 1km) và kết thúc tại nút giao với đường Vành đai hai (1,9km) và một tuyến nhánh dài 400m kết nối với đập ngăn mặn Sông Cái. Theo đó, dọc tuyến sông Cái sẽ hình thành 3km đường ven sông thông thoáng tạo động lực phát triển các dự án và khu dân cư tại khu vực này. Đặc biệt, môi trường sinh thái tại khu vực này sẽ được cải thiện, chất lượng sống của người dân cũng sẽ được nâng cao khi dọc tuyến đường còn có các công viên công cộng" - ông Ngô Anh Nhân cho biết.
Kỳ vọng một thành phố xanh và hiện đại
Để cải tạo các khu đô thị ven sông Cái, tháng 6/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu dân cư dọc bờ sông Cái Nha Trang, phường Phương Sơn, phường Ngọc Hiệp và phường Phương Sài với tổng diện tích 141ha ở phía Nam sông Cái.
Theo quy hoạch này, tương lai khu vực ven sông Cái sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo với việc xây dựng tuyến đường, kè kết hợp các vườn hoa, quảng trường ven sông Cái gắn với các dãy phố hướng ra sông.
Diện mạo khu vực ven sông Quán Trường - Nha Trang đã thay đổi khi có hàng loạt khu đô thị và đường Vành đai 2 song song với sông Quán Trường (Ảnh: Trung Vũ).
Trong quy hoạch, sẽ xây dựng tuyến đường chính hướng Đông - Tây đi cách sông Cái một dãy phố, kết nối với cầu vượt đường sắt, nối với khu vực phía Tây TP Nha Trang và kết nối với đường ven sông Cái (đoạn sông Kim Bồng). Môi trường dọc sông Kim Bồng và sông Bà Vệ đang ô nhiễm sẽ được cải tạo, khơi thông dòng chảy tạo các tuyến đường với các dải quảng trường nhỏ ven sông, dọc theo các dãy phố.
Đồng thời, quy hoạch cũng có khu vực trung tâm đa chức năng phát triển mới tại khu vực ven sông Cái có chiều cao xây dựng tối đa là 40 tầng; tại khu vực ven sông Bà Vệ, chiều cao xây dựng tối đa là 35 tầng. Tại một số điểm đường chính đô thị có lộ giới hơn 20m trong các đô thị cải tạo và tái phát triển, nếu diện tích đất hơn 1.000m2 thì chiều cao tối đa là 20 tầng, nếu diện tích đất hơn 3.000m2 thì chiều cao tối đa là 25 tầng.
Ông Phan Việt Hoàng - Phó tổng Thư ký hội Môi giới bất động sản Việt Nam, kiêm Tổng Thư ký hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho biết, TP Nha Trang là một trong những thành phố có nhiều dòng sông chảy qua và hiện nay quỹ đất ven biển, ven sông luôn có giá trị cao nhưng ngày càng ít dần. Do đó việc phát triển các quỹ đất ven sông để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư hiện đại sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố và đời sống người dân bị ô nhiễm nhiều năm từ các khúc sông này.
"Có thể thấy, trước đây khu vực ven sông Quán Trường là một bãi lầy mà không người dân Nha Trang nào muốn đến, dù chỉ cách đường biển Trần Phú và trung tâm TP khoảng 3km. Tuy nhiên, sau khi khu vực này được cải tạo, với việc triển khai hàng loạt khu đô thị và đường vành đai 2 chạy dọc sông Quán Trường được đầu tư xây dựng, thì khu vực này đã trở nên khang trang và hiện đại. Diện mạo TP Nha Trang nói chung và khu vực phía Tây TP Nha Trang sẽ như bừng sáng hẳn. Do đó, việc cải tạo các khúc sông và xây dựng các đường ven sông Cái chắc chắn sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo TP Nha Trang. Góp phần thúc đẩy TP biển này tiệm cận nhanh hơn với mục tiêu trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2025" - ông Phan Việt Hoàng hào hứng nhận định.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Chủ tịch hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa:

TP Nha Trang là một trong những thành phố hiếm hoi có hệ thống sinh thái tuyệt vời khi vừa có vịnh, biển, núi non bao quanh và hệ thống sông ngòi phong phú chảy qua.

Nhiều năm nay, tỉnh Khánh Hòa đã mời các chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, lập quy hoạch để tôn tạo dòng sông Cái, tránh bị xâm thực và phát huy thế mạnh của nó để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch.

Ngoài sông Cái, Nha Trang còn có sông Quán Trường đi qua thành phố và đổ thẳng ra biển. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa một vài nhánh của hai con sông này bị vùi lấp. Trong thời gian tới Khánh Hòa sẽ khơi thông lại hai con sông này để thông thương và tạo nên hệ sinh thái bền vững, cũng như giúp TP Nha Trang thoát lũ.

Riêng về việc triển khai các khu đô thị và các công trình cao tầng dọc sông Cái là điều cần thiết, nên làm để vừa làm đẹp thành phố, khu vực ven sông và tập trung dân cư. Tuy nhiên, các công trình cao tầng không nên gần sát bờ sông và các tầng cao phải đúng quy định cho phép về mật độ, chiều cao, cây xanh… để khu vực này thông thoáng không bức bí như đường biển Trần Phú.