Khánh Hòa sắp có dự án khu công nghiệp 1.800 tỷ đồng

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp dốc Đá Trăng tổng vốn đăng ký hơn 1.800 tỷ đồng tại Khu kinh tế Vân Phong, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 của địa phương đã có nhiều khởi sắc, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,46%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 18.650 tỷ đồng, tăng 7,1%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 340,7 triệu USD tăng 13,3%; doanh thu du lịch đạt 1.330,7 tỷ đồng tăng 55,3%...

Khánh Hòa sẽ sớm có khu công nghiệp rộng 300ha tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng. (Ảnh: Trung Vũ).
Khánh Hòa sẽ sớm có khu công nghiệp rộng 300ha tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng. (Ảnh: Trung Vũ).

Đặc biệt, tính đến cuối tháng 3/2022, huy động vốn toàn tỉnh đạt khoảng 101.300 tỷ đồng, tăng 11.947 tỷ đồng (tăng 13,37%) so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong quý I/2022, Khánh Hòa thu hút được 2 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng đăng ký gần 300 tỷ đồng.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Dốc Đá Trăng của Công ty CP Viglacera tổng vốn đăng ký hơn 1.800 tỷ đồng tại Khu kinh tế (KKT) Vân Phong đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.

Dự án KCN Dốc Đá Trắng có diện tích khoảng 300ha, nằm trên địa phận huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Trong đó, 240ha thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh; 60ha còn lại nằm trên địa phận xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa. Mục tiêu bước đầu nhằm đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN. Ngành nghề thu hút đầu tư tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, logistics; dự án thứ cấp phải thân thiện môi trường, có đóng góp lớn cho ngân sách.

Trong đó, ưu tiên công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị và gia công kim loại; cơ khí nặng; kết cấu thép; lắp ráp ô tô, xe máy, thiết bị siêu trường, siêu trọng; công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử với các sản phẩm điện tử công nghiệp, điện tử viễn thông, thiết bị văn phòng, máy tính, điện thoại di động và linh kiện điện tử cũng được đặc biệt ưu tiên.

Khánh Hòa sẽ tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trong giai đoạn tới. (Ảnh: Trung Vũ).
Khánh Hòa sẽ tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trong giai đoạn tới. (Ảnh: Trung Vũ).

Ngoài ra, trong quý I/2022, các doanh nghiệp trong KKT Vân Phong và các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hoạt động trở lại. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành tập trung rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp hiện có.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong; quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm… Đồng thời, Khánh Hòa sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Bên cạnh việc đôn đốc các dự án hạ tầng trọng điểm của quốc gia và tỉnh như: Cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến Đầm Môn, nút giao Ngọc Hội… tỉnh sẽ tập trung xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đô thị đã được quy hoạch. Đặc biệt, phát triển KKT Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ, Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế góp phần đưa Khánh Hòa sớm trở thành TP trực thuộc Trung ương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần