Khánh Hoà tập trung phát triển Khu kinh tế Vân Phong để thu hút đầu tư

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút hơn 155 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4,1 tỷ USD. Khu vực này hiện đang có nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đề xuất đầu tư hàng loạt dự án với vốn đầu tư từ hàng chục nghìn tỷ đồng…

Hơn 4,1 tỷ USD “rót” vào KKT Vân Phong

Ngày 10/8, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Trọng Hoàng – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (KKT Vân Phong) cho biết, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg thành lập KKT Vân Phong tỉnh Khánh Hòa.

Mục tiêu nhằm xây dựng KKT Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa với vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.

KKT Vân Phong đã thu hút 155 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 4,1 tỷ USD. Ảnh: Trung Vũ.
KKT Vân Phong đã thu hút 155 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 4,1 tỷ USD. Ảnh: Trung Vũ.

Từ khi thành lập đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 2,5 tỷ USD (đạt 61%). Hiện đã có 97 dự án  đi vào hoạt động; 58 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng cho biết, các dự án đã góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Khánh Hòa theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Riêng giai đoạn 2016-2020, KKT Vân Phong đóng góp nguồn thu ngân sách của tỉnh khoảng 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% nguồn thu ngân sách của tỉnh; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 32,9% của tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động.

Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 vốn đầu tư 2,58 tỷ USD hiện đang triển khai xây dựng. Ảnh: Trung Vũ.
Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 vốn đầu tư 2,58 tỷ USD hiện đang triển khai xây dựng. Ảnh: Trung Vũ.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cho biết, kết quả trên chủ yếu tập trung tại khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) với các dự án quy mô lớn đang triển khai xây dựng như: Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỷ USD), Khu công nghiệp Ninh Thủy (294 tỷ đồng), Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (984 tỷ đồng) và một số dự án lớn đã hoạt động như: Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD), Nhà máy đóng tàu Hyundai-Vinashin (350 triệu USD)....

Khu vực này hiện nay đang được nhiều tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài quan tâm đề xuất các dự án công nghiệp năng lượng, công nghiệp lọc hóa dầu, kho chứa năng lượng, cảng biển trung chuyển, các khu công nghiệp, đô thị đa năng gắn với dịch vụ du lịch.

Lót ổ đón "đại bàng" 

Nói về cơ hội phát triển của KKT Vân Phong, ông Nguyễn Trọng Hoàng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 28/01/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, định hướng phát triển huyện Vạn Ninh trở thành đô thị biển hiện đại đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao..

Riêng thị xã Ninh Hòa định hướng là đô thị công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ… cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển...

Hiện nhiều tập đoàn đang đề xuất các dự án có vốn đầu hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng tại KTT Vân Phong. Ảnh: Trung Vũ.
Hiện nhiều tập đoàn đang đề xuất các dự án có vốn đầu hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng tại KTT Vân Phong. Ảnh: Trung Vũ.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW của Bộ Chính trị, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Trong đó, có cơ chế chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong và đề xuất phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư, lao động, môi trường, tạo động lực thu hút nhiều dự án lớn, đặc biệt là các dự án về cảng trung chuyển, đô thị, logistics, năng lượng, các KCN, khu công nghệ cao…

“Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 6 ngày 19/7/2022. Hiện, nhiều tập đoàn kinh tế trong nước và nước ngoài nghiên cứu đề xuất ý tưởng quy hoạch, dự án đầu tư tại khu kinh tế khi điều chỉnh Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – ông Nguyễn Trọng Hoàng thông tin.

Tuy nhiên, Trưởng BQL KKT Vân Phong cũng nhìn nhận, cùng với những thuận lợi là những khó khăn thách thức như việc: huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội một cách đồng bộ; tổ chức xúc tiến đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. 

Song song đó là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác quản lý quy hoạch xây dựng và đất đai; công tác đào tạo sử dụng người lao động chuyển đổi ngành nghề, người lao động trong khu vực ảnh hưởng của các dự án…

Khu vực Bắc Vân Phong hội đủ các tố để trở thành đô thị biển hiện đại đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại... Ảnh: Trung Vũ.
Khu vực Bắc Vân Phong hội đủ các tố để trở thành đô thị biển hiện đại đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại... Ảnh: Trung Vũ.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng cũng cho biết, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong và các sở ngành liên quan sẽ tập trung triển khai rà soát, hoàn thiện quy hoạch trong KKT Vân Phong, KCN bảo đảm sự đồng bộ giữa các quy hoạch.

Trong đó, ưu tiên hoàn thành Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai lập quy hoạch phân khu các khu chức năng để xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư “mỏ neo” có tính chiến lược.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc Hội, trong đó có cơ chế đặc thù KKT Vân Phong, tạo cơ sở cho việc triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói chung và KKT Vân Phong nói riêng.

KKT Vân Phong có lợi thế về cảng nước sâu và nhiều tuyến cao tốc đi qua. Ảnh: Trung Vũ.
KKT Vân Phong có lợi thế về cảng nước sâu và nhiều tuyến cao tốc đi qua. Ảnh: Trung Vũ.

Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong cũng cho biết, Khánh Hòa sẽ đổi mới và thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo tư duy hướng tới nền hành chính phục vụ doanh nghiệp, với mục tiêu giảm tối đa thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh tại KKT Vân Phong và các KCN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; triển khai tốt dịch vụ công để hỗ trợ nhà đầu tư.

Ngoài ra, Khánh Hòa sẽ thúc đẩy triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, hiện đại cho KKT, KCN tạo sự liên kết phát triển vùng như: các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia kết nối với KKT Vân Phong, các cảng biển tổng hợp lớn, hiện đại; đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông nội để kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia.

Cùng với đó là triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng khác như: dự án khu nhà ở cho công nhân; cấp điện, cấp nước; dự án xử lý chất thải rắn tập trung, xử lý nước thải tập trung nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút các dự án đầu tư lớn mang tính động lực đầu tư vào KKT Vân Phong.

“Khánh Hòa sẽ chủ động liên kết với các địa phương lân cận vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển như Phú Yên, Đắk Lắk để cùng phối hợp xây dựng chiến lược liên kết phát triển vùng như Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, hướng đến trở thành một trong những vùng động lực phát triển của khu vực và cả nước.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư tại KKT Vân Phong, trong đó, tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân lực cho các ngành công nghệ cao” – ông Nguyễn Trọng Hoàng chia sẻ.