Khánh Hoà: Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhiều dự án không dành quỹ đất

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Xây dựng phải kiểm tra, làm rõ nguyên nhân chậm trễ đối với các khu đô thị đã bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) nhưng chưa xây dựng.

Khó tiếp cận mua NƠXH

Thời gần đây, giá thị trường bất động sản tại Khánh Hòa, đặc biệt là khu vực TP Nha Trang luôn có xu hướng tăng cao. Thậm chí, ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và hiện tại, khi thị trường trầm lắng, bất động sản Khánh Hòa vẫn không ghi nhận hiện tượng giảm giá.

Những năm gần đây giá bất động sản tại Khánh Hòa tăng mạnh. Ảnh: Trung Vũ.
Những năm gần đây giá bất động sản tại Khánh Hòa tăng mạnh. Ảnh: Trung Vũ.

Giá đất tăng nhanh khiến nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp tại Khánh Hòa ngày càng trở nên khó khăn, nhất là khi các dự án NƠXH mở bán “nhỏ giọt”.

Anh Quốc Thịnh (30 tuổi, ngụ TP Nha Trang) cho biết, anh là người Đăk Lắk lấy vợ là người Nha Trang và nhập hộ khẩu vào gia đình vợ được 5 năm, đến nay vợ chồng anh vẫn sống chung với gia đình vợ.

“Tổng thu nhập của hai vợ chồng hơn 15 triệu đồng/tháng, nay có con nhỏ nên chúng tôi muốn ra riêng nhưng với số tiền tích cóp và nội ngoại hỗ trợ chỉ hơn 300 triệu đồng thì không thể mua đất và nhà ở khu vực ven Nha Trang. trong khi đó, NƠXH lại không có nhiều dự án và nộp hồ sơ "không đến lượt" vì nhu cầu quá lớn” – anh Thịnh cho biết.

Trường hợp vợ chồng anh Thịnh được cho là khá phổ biến tại TP Nha Trang, bởi nhu cầu NƠXH địa phương vẫn được nhiều người dân tìm mua. Trong khi đó, số lượng dự án cũng như số căn NƠXH hiện nay lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Khu NƠXH 700 căn tại Khu đô thị mới Phước Long, TP Nha Trang được đưa vào vận hành tháng 8/2020. Ảnh: Trung Vũ.
Khu NƠXH 700 căn tại Khu đô thị mới Phước Long, TP Nha Trang được đưa vào vận hành tháng 8/2020. Ảnh: Trung Vũ.

Ông Phan Việt Hoàng – Tổng thư ký Hội Môi giới Bất Động sản Khánh Hòa (KAREB) cho biết, hiện Khánh Hòa có hơn 5.000 NƠXH chủ yếu tập trung tại TP Nha Trang, đây là con số thấp so với nhu cầu thực tế.

Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020 tại TP Nha Trang chỉ có 6 dự án NƠXH mở bán và triển khai xây dựng với khoảng 4.200 căn NƠXH. Trong khi đó, nhu cầu NƠXH trên địa bàn TP Nha Trang giai đoạn 2016-2020 khoảng 10.000 căn hộ.

Còn theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, diện tích tăng thêm NƠXH khoảng 209.000m2 sàn, tương đương 4.146 căn.

Tổng thư ký KAREB Phan Việt Hoàng cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để tái cấu trúc, cân bằng nguồn cung giữa các dòng sản phẩm bất động sản cao cấp - trung bình, nhất là thời điểm thị trường đang có nhiều biến động, nhóm đầu cơ "vắng bóng", chỉ còn tập trung vào nhu cầu sử dụng ở thật.

Rà soát các dự án chưa bố trí quỹ đất NƠXH

Liên quan đến thực trạng NƠXH trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, Sở đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về kết quả kiểm tra, rà soát việc bố trí quỹ đất để xây dựng NƠXH trên địa bàn.

Khánh Hòa có 22/39 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng NƠXH. Ảnh: Trung Vũ.
Khánh Hòa có 22/39 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng NƠXH. Ảnh: Trung Vũ.

Theo Sở Xây dựng, Khánh Hòa hiện có 41 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (KĐT) mới, tuy nhiên chỉ có 39 chủ đầu tư đã cung cấp thông tin, tài liệu liên quan. Qua đó, có 17/39 dự án có thực hiện bố trí quỹ đất để xây dựng NƠXH (9 dự án đã bố trí đủ quỹ đất và 8 dự án chưa bố trí đủ quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH).

Tuy nhiên, trong số 17 dự án nói trên chỉ có dự án KĐT VCN-Phước Long II triển khai xây dựng NƠXH trên quỹ đất 20% và đã bàn giao đưa vào sử dụng toàn bộ NƠXH cao tầng chung cư và NƠXH thấp tầng.

Ngoài ra, tại dự án KĐT VCN-Phước Long I chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng xong hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và bàn giao toàn bộ quỹ đất xây dựng NƠXH để địa phương bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa.

Cùng với đó còn có dự án KĐT mới Phước Long và dự án KĐT mới Lê Hồng Phong I đã thực hiện đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng một số công trình NƠXH theo quy hoạch được duyệt.

Khu chung cư NƠXH thuộc dự án dự án KĐT mới Lê Hồng Phong I. Ảnh: Trung Vũ.
Khu chung cư NƠXH thuộc dự án dự án KĐT mới Lê Hồng Phong I. Ảnh: Trung Vũ.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, các dự án còn lại, chủ đầu tư chưa triển khai đầu tư xây dựng NƠXH, hầu hết là do vướng công tác giải phóng mặt bằng hoặc đang dừng toàn bộ dự ăn để chờ điều chỉnh quy hoạch.

Đặc biệt, Khánh Hòa còn có 22/39 dự án không bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng NƠXH bởi tại các quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch không bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng NƠXH.

Một số dự án nổi bật như khu biệt thự Nha Trang Sea Park, KĐT biển An Viên, khu biệt thự Biển và Dịch vụ Du lịch Anh Nguyễn, làng biệt thự Sinh Thái Giáng Hương, KĐT mới Nam Sông Cái, khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú...

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đối với các dự án đã bố trí quỹ đất nhưng chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, tỉnh đã đề nghị địa phương phối hợp với chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Đối với các dự án chưa bố trí quỹ đất cho NƠXH, tỉnh cũng đã giao Sở Xây dựng rà soát, phân loại, tìm nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc.

"UBND tỉnh đã chỉ đạo, Sở Xây dựng thời gian tới phải rà soát, bố trí quỹ đất công để xây dựng trường học, trung tâm thương mại, bệnh viện trong các khu đô thị. Riêng các dự án đã bố trí quỹ đất xây dựng NƠXH nhưng chưa xây dựng, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng phải kiểm tra, làm rõ nguyên nhân chậm trễ. Đồng thời, yêu cầu các chủ dự án phải thực hiện đúng mục tiêu của dự án đã được pháp luật quy định" - ông Tuân cho biết.

 

Cần có quy định rõ về việc thu hồi dự án chậm tiến độ

Nhận định về thị trường BĐS Khánh Hòa, ông Phan Việt Hoàng cho biết, bài học thực tiễn từ những cuộc khủng hoảng cho thấy để giải cứu thị trường không phải bằng cách bơm tiền mà phải bằng chính sách thiết thực.

Chẳng hạn như giai đoạn 2013-2014, Chính phủ đã ban hành chính sách phát triển NƠXH và gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã khơi thông dòng chảy cho thị trường BĐS.

Theo ông Hoàng, kế hoạch phát triển nhà ở được xây dựng từ nhu cầu thực tế của người dân trong khi nhu cầu nhà ở giá rẻ của người dân còn nhiều mà phần lớn các dự án đều “ghim đất” không triển khai xây dựng vì lợi nhuận không cao.

“Ở các nước phát triển các chủ đầu tư đều xem đó là tinh thần trách nhiệm với quốc gia, với dân tộc. Do đó, đối với những quỹ đất đã có quy hoạch phát triển NƠXH cần chế tài nghiêm ngặt hơn để sớm triển khai phục vụ cho xã hội. Mặc dù Luật đầu tư đã có những quy định rõ về việc thu hồi dự án chậm tiến độ nhưng thực tế việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập” – ông Hoàng chia sẻ..

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần