Đến dự lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại diện các bộ ngành trung ương và TPHCM cùng đông đảo người dân TP.
Sở GTVT TPHCM cho biết, đầu những năm 1990, lãnh đạo thành phố đã quyết tâm cải tạo nơi này thành một trong những điểm nhấn của TPHCM. Từ 1993 đến 1998, TPHCM cho chỉnh trang dòng kênh bằng dự án giải tỏa hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh và làm hai tuyến đường song song dọc kênh. Đến năm 2003, dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng vốn vay 317 triệu USD của Ngân hàng Thế giới với các hạng mục chính: Nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải; lắp đặt khoảng 70km cống thoát nước trên nhiều tuyến đường được triển khai. TP tiếp tục cải tạo, mở rộng, chỉnh trang để biến đường Hoàng Sa và Trường Sa thành 2 tuyến đường đẹp nhất TPHCM với khoảng 400 tỷ đồng.
Đường Hoàng Sa, đoạn qua phường Tân Định, quận 1.
Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay dự án hoàn thành, góp phần mang lại diện mạo mới cho thành phố. Trong chương trình hành động triển khai Nghị quyết 13 của Thành ủy TPHCM có đề ra các mục tiêu về tái cơ cấu kinh tế, bố trí lại dân cư và mở rộng đô thị theo quy hoạch không gian đô thị gắn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đô thị TPHCM, tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư nghèo, thu nhập thấp được hưởng thành quả từ các công trình đầu tư. Để hiện thực hóa điều đó, bên cạnh đại lộ Đông Tây, hầm vượt sông Sài Gòn, công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sẽ còn nhiều công trình, dự án quan trọng tiếp tục được khởi công xây dựng.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, công trình này sẽ giúp giảm ô nhiễm, nâng cao chất lượng sống của người dân các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và giải quyết tình trạng ách tắc giao thông cho khu vực này.
Sau buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm trạm bơm của dự án này, tại số 10 đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh). ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban quản lý Dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết đây là một trong những hạng mục của dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) nhằm giảm ô nhiễm và ngập úng cho 7 quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình và Gò Vấp. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm nguồn nước ô nhiễm trên phải chờ dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở quận 2 (dự án giai đoạn 2). Vốn đầu tư xây dựng trạm bơm là 18 triệu USD với công suất 64.000m³/giờ.
Giai đoạn 2 của dự án dự kiến bắt đầu từ năm 2015 đến 2019 với tổng đầu tư khoảng 470 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới khoảng 450 triệu USD, 20 triệu USD là vốn đối ứng. Giai đoạn này sẽ hoàn tất việc thu gom và xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2.
Trong đó, sẽ tiến hành xây dựng tuyến cống bao đường kính 3,2m, dài 8km từ giếng bờ Đông (quận 2) để chuyển nước thải từ Nhiêu Lộc - Thị Nghè về nhà máy xử lý tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2). Đồng thời, tại quận 2 cũng sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000m³/ngày đêm, bao gồm hệ thống xử lý bùn và mùi. Lúc đó, nguồn nước ô nhiễm sẽ được xử lý triệt để.
|