Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khảo sát dự án cải tạo xây dựng lại KTT Nguyễn Công Trứ: Lãnh đạo phường Phố Huế và người dân mong sớm điều chỉnh cơ chế phù hợp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Lãnh đạo phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) và đại diện người dân Khu tập thể Nguyễn Công Trứ chia sẻ, khó khăn vướng mắc chủ yếu hiện nay đối với dự án cải tạo xây dựng lại toàn bộ Khu tập thể này là có độ phức tạp hơn nhiều các dự án khác, do có đa dạng đối tượng sở hữu nhà, quy mô lớn, nên cần có thống nhất về cơ chế chính sách (chính sách tài chính đối với nhà đầu tư và chính sách đền bù tái định cư đối với người dân) ngay từ đầu.

Nhằm phục vụ công tác phản biện xã hội đối với dự thảo “Đề án cải tạo xây dựng lại chung cũ trên địa bàn TP Hà Nội”, chiều nay (12/7), Đoàn khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đàm Văn Huân chủ trì đã tiến hành khảo sát thực tế tại Khu tập thể (KTT) Nguyễn Công Trứ (phường Phố Huế) và làm việc với lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, phường Phố Huế.
Đoàn khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đàm Văn Huân chủ trì đã tiến hành khảo sát thực tế tại Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế

Tiến độ quá chậm, người dân mong mỏi từng ngày
Theo lãnh đạo UBND phường Phố Huế, KTT Nguyễn Công Trứ cũ trên địa bàn phường đã xuống cấp, dù được TP Hà Nội có quyết định phê duyệt, cải tạo lại từ năm 2009 nhưng đến nay mới hoàn thành được 1 tòa nhà N3, còn 14 tòa chưa dược thục hiện, nên tư tưởng của Nhân dân sinh sống trong khu vực không ổn định. Về tiến độ đợt 2 dự án cải tạo xây dựng lại KTT này, hiện trên địa bàn phường có chủ đầu tư (CĐT) là Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển nhà số 7 đã thực hiện GPMB được 2 khối nhà A1-A2 và xây dựng nhà N3 như hiện tại với tổng diện tích thu hồi 0,43ha. Hiện tiếp tục thực hiện hiện đợt 2 dự án cải tạo xây dựng lại KTT Nguyễn Công Trứ, do Công ty làm CĐT từ năm 2021 phối hợp UBND phường tổ chức lấy ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư, đóng góp ý kiến vào dự thảo cơ chế, chính sách xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư (TĐC) giai đoạn 2; đã tiếp thu ý kiến Nhân dân để tổng hợp báo cáo UBND TP thực hiện theo quy định.
Theo kết quả khảo sát sơ bộ năm 2019 đối với các hộ dân, cơ quan, tổ chức, kiot đang sử dụng đất nằm trong quy hoạch dự án này (giai đoạn 2), tổng số 866 phiếu phát ra, tổng số 351 phiếu thu về, trong đó ý kiến về xây dựng cải tạo lại KTT Nguyễn Công Trứ là 298 phiếu đồng ý (tỷ lệ 85%), 7 phiếu không đồng ý (2%) và 46 phiếu không ý kiến (13%). Tổng số có 947 căn hộ, 689 hộ gia đình với 2.288 nhân khẩu.
Thực tế xuống cấp nghiêm trọng tại nhiều tòa nhà tại Khu tập thể Nguyễn Công Trứ 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo phường và đại diện người dân KTT Nguyễn Công Trứ chia sẻ, khó khăn vướng mắc chủ yếu hiện nay đối với dự án cải tạo xây dựng lại toàn bộ KTT Nguyễn Công Trứ là có độ phức tạp hơn nhiều các dự án khác do có đa dạng đối tượng sở hữu nhà, quy mô lớn. Do đó cần có thống nhất về cơ chế chính sách (chính sách tài chính đối với nhà đầu tư và chính sách đền bù TĐC đối với người dân) ngay từ đầu. Cùng với đó là cần quy định về thời gian, thống nhất về phương án đền bù đối với các chủ sở hữu nhà phải kéo dài hơn các dự án đơn lẻ. Việc đánh đồng tất cả các dự án như nhau là chựa hợp lý.
Đặc biệt, nhiều ý kiến kiến nghị UBND TP, các bộ, sở, CĐT đảm bảo các tiêu chí phương án hỗ trợ, đền bù cho người dân về giá đất theo hệ số K phải cao hơn hoặc tối thiểu như nhà N3, hỗ trợ giá khi mua nhà TĐC, hỗ trợ việc làm khi bị thu hồi đất đối với các hộ kinh doanh, để đảm bảo cuộc sống…
Riêng với CĐT khi triển khai GPMB nhà A1, A2 hệ số TĐC từ 1,4 - 2,1 lần các hộ có diện tích cơi nới phải bố trí nhà TĐC có diện tích lớn hơn người dân phải nộp tiền một lần nhưng khi về nhận nhà TĐC các hộ lại chậm nộp tiền, khiến dự án mất cân đối dẫn đến bù lỗ và TP phải hỗ trợ, phát sinh chi phí lớn vì có nhiều hộ phải cưỡng chế.
Đại diện cho các hộ dân tại KTT Nguyễn Công Trứ nêu ý kiến, đáng chú ý, bà Đỗ Thị Phúc, cư dân nhà E KTT Nguyễn Công Trứ cho rằng, với 8 triệu đồng/tháng hỗ trợ tạm cư thì những nhà diện tích lớn, số người đông đi đi thuê nhà rất khó khăn. Trong khi, họ đang ở KTT Nguyễn Công Trứ kinh doanh buôn bán, thu nhập tốt, với 8 triệu đồng chỉ đủ thuê nhà và chỗ ở mới không kinh doanh buôn bán được, rất khó khăn.

Đoàn khảo sát tại Nhà N3 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ 

Trong khi đó, ông Vũ Hữu Nghị (nhà D3) bày tỏ, chủ trương cải tạo KTT Nguyễn Công Trứ là hợp lòng dân nhưng triển khai đã quá lâu. Thực tế hiện nay cho thấy để triển khai được dự án thì rất cần hài hòa được lợi ích giữa CĐT - nhà nước - người dân. Song, dự án có quyết định thực hiện đã lâu, đến nay các nhà quản lý, nhà khoa học cần xem lại thiết kế cải tạo cũ liệu còn phù hợp không. Đặc biệt, làm sao khi nhà được cải tạo xây dựng lại phải được đàng hoàng hơn trước khi người dân di dời đi.

Theo ý kiến người dân, không thể kỳ vọng 100% hộ dân đồng thuận với dự án, khi lợi ích khác nhau giữa tầng 1 và các tầng trên, nên nếu nhà đã xuống cấp không đảm bảo an toàn nữa thì TP cần ra quyết định cải tạo và kiên quyết thực hiện. Nhà N3 đã là mẫu thì các nhà sau phải theo mẫu, không thể hệ số đền bù khác nhau. Các nhà đầu tư cũng cần có giao kèo để đảm bảo tiến độ thời gian.
Cùng quan điểm này, ông Mai Xuân Cung (nhà TĐC N3) chia sẻ, hy vọng sau hơn chục năm mong mỏi, đến nay với quyết tâm lớn của TP trong triển khai Đề án, dự án này sẽ sớm được thực hiện. Hiện nay tại các nhà B1, B2… có nhiều hộ dân đã đóng cửa không thể ở được nữa vì mỗi khi trời mưa dột nghiêm trọng, bể phốt ứ đọng… “Bà con nói nếu  xây dựng các tòa nhà khác được như nhà N3 thì họ đồng thuận ngay” - ông Cung cho biết.
Đại diện người dân tại Khu tập thể Nguyễn Công Trứ nêu ý kiến
Mong sớm có điều chỉnh chính sách cho phù hợp
Từ thực tế hiện nay, lãnh đạo phường và người dân KTT Nguyễn Công Trứ bày tỏ mong muốn UBND TP sớm có điều chỉnh hệ số K được cao nhất đổi với dự án theo nguyện vọng của Nhân dân thuộc KTT này được hưởng như nhà N3 đảm bảo sinh hoạt, hỗ trợ tạm cư cần điều chinh giá cho dân để dân tự thuê tạm cư, vì mức phí ăn ở sinh hoạt cao do trượt giá, vì TP không còn quỹ nhà để bố trí khi thực hiện dự án. Cùng đó, đề nghị sớm cung cấp cho Nhân dân được biết quy mô và thời gian thực hiện dự án.
Chủ tịch UBND phường Phan Bá Tường cũng cho rằng, từ thực tế thực hiện GPMB trên địa bàn cho thấy, quy định 100% cư dân đồng tình mới thực hiện phá dỡ GPMB thực hiện xây nhà mới là không bao giờ đạt được, trong khi việc đền bù TĐC bằng tiền là rất phù hợp, TP nên nghiên cứu để đẩy nhanh dự án này. Rất mong lần này chính sách được sửa đổi cho thật chuẩn để có thể đi vào cuộc sống ngay.
Thay mặt lãnh đạo quận Hai Bà Trưng phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, hiện đã là thời điểm chín muồn để ban hành Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Nhưng từ thực tế triển khai của quận cho thấy, với 308 chung cư trên địa bàn cho thấy, vướng mắc nhất tại cơ sở vẫn là thực hiện cơ chế chính sách về đền bù GPMB. Hiện TP đã ban hành Quyết định số 10 cũng như một số văn bản khác, song có những vấn đề chưa thể hiện hết được thực tế đang diễn ra. Quận rất mong để địa phương thực hiện GPMB thuận lợi, góp phần thúc đẩy các dự án, rất mong bổ sung vào Quyết định 10 những vấn đề liên quan đến GPMB các hộ dân trong chung cư cũ.
 Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Kết luận buổi khảo sát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân khẳng định, thực hiện cải tạo xây dựng lại chung cư cũ là một chủ trương rất lớn của T.Ư và TP. Trong mấy ngày tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; TP Hà Nội cũng đã có Nghị quyết về cải tạo chung cư, trong đó có đầu tư về ngân sách.

Từ ý kiến của các địa phương, Ủy ban MTTQ TP sẽ nêu quan điểm chính thức với TP, trong đó kiến nghị cụ thể: Về quan điểm, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm, phát huy hơn vai trò trách nhiệm trong công tác cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, từ việc đẩy nhanh kiểm định, quy hoạch đến xác định hệ số đền bù, có thể đưa ra ngân sách đối ứng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư… Cùng đó, đề nghị quận Hai Bà Trưng và Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ kiểm định hơn. Bên cạnh đó, các bên cần xác định quan điểm là kêu gọi tái thiết đô thị chứ không còn là kêu gọi vận động Nhân dân đồng thuận nữa, bởi khi chung cư đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của người dân mà còn là bộ mặt đô thị. Ngoài ra, liên quan đến cách làm các dự án, cần công khai minh bạch, Nhà nước đứng ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Về phân cấp, ông Đàm Văn Huân bày tỏ rất đồng tình quan điểm của lãnh đạo quận là cần phân cấp cho quận, huyện, trong bối cảnh TP mong muốn cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trong thời gian nhanh nhất mà khối lượng công việc rất lớn.