Tại Hội thảo những thành phố sáng tạo của Vương quốc Anh như: Belfast, Londonderry, Dundee cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo dựng và phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo.
Người dân làm chủ thể sáng tạo
Năm 2021, Belfast trở thành TP thứ 3 của Vương quốc Anh tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), sau Liverpool và Glasgow. Ngay sau khi trở thành Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực âm nhạc trong UCCN, chính quyền TP Belfast đã ban hành Chiến lược thành phố âm nhạc “Music Matters” giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu tăng mức độ nhận diện quốc tế với Belfast; bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ; tăng cường du lịch âm nhạc; phát triển nhạc sống…
Trong quá trình thực hiện được chiến lược trên, Belfast lấy nghệ sĩ làm trọng tâm, thành lập Uỷ ban âm nhạc của TP, tăng cường đầu tư và tài trợ cho các nghệ sĩ, thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế, xây dựng chương trình âm nhạc về đêm và du lịch âm nhạc.
Cụ thể, TP Belfast đầu tư 3,8 triệu Euro cho 117 giải thưởng thường niên; là nhà tài trợ chính có 49 tổ chức văn hoá, 18 lễ hội; hỗ trợ 34 nhóm văn hoá và lễ hội cộng đồng; xây dựng 16 học bổng sáng tạo và hỗ trợ các nghệ sĩ học tập. Dự kiến trong năm 2024, tổng quỹ đầu tư cho văn hoá lên đến 10 triệu Euro.
Theo ông Chris McCreery – Ban Phát triển văn hoá và Du lịch - Hội đồng TP Belfast, một trong những mấu chốt của việc phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo về âm nhạc là tổ chức đối thoại mở để lắng nghe, kết nối chính quyền TP với người dân.
“Chính quyền TP không mời người dân đến làm việc mà chủ động đến với họ để trao đổi, lắng nghe ý kiến cộng đồng thông qua trường học, tổ chức văn hoá. Từ tiếng nói, góp ý và sự tin tưởng của người dân, TP tìm ra giải pháp để phát triển thương hiệu thành phố âm nhạc”.
Chia sẻ thêm về Uỷ ban Âm nhạc TP Belfast, ông Chris McCreery cho biết: Uỷ ban có sự tham gia của 20 cá nhân. Trong đó 6 thành viên là nhạc sĩ – chuyên gia ở những lịch vực âm nhạc khác nhau từ truyền thống đến hiện đại. Ngoài ra, Uỷ ban Âm nhạc TP còn có những chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, đối tác về giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư cùng chung hướng tới mục tiêu tăng trải nghiệm âm nhạc của TP
Nhấn mạnh sự kết nối, lắng nghe của chính quyền TP đối với cộng đồng sáng tạo, bà Poppy Jarratt - Điều phối viên Dự án sáng tạo thiết kế Dundee (Scotland) cho biết: Năm 2014, Dundee tham gia UCCN ở lĩnh vực thiết kế. Năm 2024, chúng tôi sẽ kỷ niệm 10 năm tham gia UCCN. Tôi nghĩ với những nhà thiết kế trẻ, điều quan trọng nhất là tạo dựng được một không gian mở để họ có thể kết nối với chính quyền, người dân. Qua đó, các bên liên quan có thể lắng nghe, hỗ trợ, học hỏi góp phần hoàn thiện các thiết kế sáng tạo”.
Khó khăn chung của Thành phố sáng tạo
Thảo luận, chia sẻ những vấn đề về phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo, KTS Đoàn Kỳ Thanh nhìn nhận: “Mặc dù nhận thức được vai trò của ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp vào GDP, nhưng TP chưa có quỹ đất cho việc đó”.
Cùng chung khó khăn này, ông Chris Mccreery – Ban Phát triển văn hoá và Du lịch - Hội đồng TP Belfast cho biết: Hiện nay thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện đều đã hình thành, nhưng địa điểm cho công nghiệp sáng tạo còn thiếu. Mặc dù, TP có nhiều không gian đang bỏ không, nhưng làm thế nào để tận dụng được cần có những sáng kiến. Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với các TP khác của châu Âu để tận dụng không gian của họ.
Chia sẻ về thực trạng tại Scotland, bà Poppy Jarratt - Điều phối viên Dự án sáng tạo thiết kế Dundee chia sẻ: “Dundee chưa đủ không gian sáng tạo cho nghệ sĩ. Nhiều khi nghệ sĩ phải làm việc trong không gian như dưới tầng hầm”.
Từ khó khăn trên, các diễn giả chia sẻ, cộng đồng sáng tạo hiện nay phải tận dụng những không gian tại những của hàng, nhà máy bị bỏ không. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Để có được giải pháp dài hạn, bên cạnh giải pháp về cơ chế, chính sách, KTS Đoàn Kỳ Thanh đưa ra sáng kiến: Khi có các dự án về bất động sản, chúng ta nên dành quỹ đất hình thành không gian phát triển công nghiệp sáng tạo. Khi có sự kiện diễn ra sẽ có nhiều người đến, từ đó đưa đến lợi ích kép, vừa tăng giá trị của bất động sản, vừa tạo ra một cộng đồng sáng tạo.
Buổi tọa đàm cũng đặt ra các vấn đề về việc phát triển thương hiệu của các thành phố sáng tạo, trong đó có Hà Nội, cũng như đề xuất cách thức phát triển cộng đồng sáng tạo tại các đô thị. Đây cũng là một phần thông điệp mà hội thảo quốc tế muốn truyền tải trong mục tiêu hành động, đó chính là sự kết nối có hiệu quả giữa các nhà sáng tạo đa thế hệ đầy tài năng, từ đó đưa ra các phương án hành động giúp Thủ đô định hình giá trị và nét đặc sắc trong thương hiệu của mình.