Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khát vọng phát triển đất nước

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thể hiện rõ khát vọng phát triển đất nước. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao...

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Nhiệm kỳ Đại hội XII, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao, bình quân khá cao (khoảng 5,9%); lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm và có bước được cải thiện; kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) được tăng cường. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, hiệu quả sử dụng được nâng lên.

Qua tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII, T.Ư đã nhận thấy quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP ước đạt 268,4 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD/người/năm). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, Văn kiện đại hội cũng đánh giá, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; Tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao; Kinh tế tập thể, hợp tác xã phần lớn có quy mô còn nhỏ, năng lực nội tại còn yếu; Hiệu quả hoạt động của nhiều DN nhà nước còn thấp; Kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh nhưng chưa thật bền vững; Độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn còn là thách thức lớn.
 Sản xuất các thiết bị điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam. Ảnh: Danh Lam
Về chiến lược, định hướng phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 của Đảng: Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập.

Bước vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo năm 2021 - 2025, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp hơn dự báo. Kinh tế thế giới phục hồi chậm; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng; nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại trong những năm gần đây. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Do đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời bổ sung các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng đảm bảo phù hợp với quan điểm chỉ đạo của T.Ư Đảng, Quốc hội và Chính phủ về quan điểm, định hướng và mục tiêu của chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030; phù hợp với định hướng phát triển của ngành và lãnh thổ được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; Xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, gồm những ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với công nghệ thông minh; Khuyến khích các DN Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại; Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Tiếp tục đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý an toàn nợ công; cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng và DN nhà nước nhằm tập trung nguồn lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...

Đưa đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển

Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến việc tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đem lại. Những cụm từ như "đổi mới sáng tạo", "chuyển đổi số", "kinh tế số", "xã hội số"… đã xuất hiện ngày một nhiều trên các diễn đàn trong nước, quốc tế. Đặc biệt, trong khó khăn do dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã nhìn thấy cơ hội mang lại từ làn sóng CM 4.0, chuyển đổi số là rất lớn.

Cách đây hơn 1 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Nghị quyết 52 về cơ bản tạo dựng các cơ chế, thuận lợi, rộng mở, thí điểm các cơ chế mới để mọi DN phát huy năng lực sáng tạo của mình. Mục tiêu trước mắt là đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 1/5 GDP và hỗ trợ năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm và sau đó, thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 28 - 62 tỷ USD, tương đương mức tăng 7 - 16% GDP đến năm 2030; Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua phát triển đồng bộ các loại thị trường kết hợp với tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số; Khuyến khích đổi mới sáng tạo, tích lũy năng lực công nghệ; đồng thời tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ số. Mới đây, Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về CM4.0 đến năm 2030.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, với tầm nhìn và sự quyết liệt của Đảng, Chính phủ, đây là giai đoạn bản lề của Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. “Đây là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Chỉ trong vòng một tháng cuối năm 2020, cả ba nhà mạng điện thoại di động lớn trong nước đều đồng loạt công bố vùng phủ sóng, chính thức thử nghiệm kinh doanh dịch vụ 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ này, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số. Quan trọng hơn, không như các công nghệ trước đây hầu hết phải nhập khẩu, hiện nay Việt Nam đã dần làm chủ và sản xuất được các thiết bị 5G, một bước tiến mang ý nghĩa chiến lược trong quá trình phát triển viễn thông - công nghệ thông tin của quốc gia.

Điểm đặc biệt mới trong Văn kiện là các giải pháp để phát triển nhân lực khoa học công nghệ gắn với sự phát triển kinh tế của đất nước. Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho rằng, cần có thêm những chính sách hữu hiệu để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ từ khắp nơi trở về quê hương làm việc, cống hiến trí tuệ, sức lực nhiều hơn cho đất nước. Và với việc đầu tư xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam vừa góp phần giúp nền kinh tế “đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên” trong “cuộc chơi” 4.0., vừa là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể đón nhận cơ hội từ cuộc CMCN 4.0.

“Với hơn 10 lần cụm từ đổi mới sáng tạo xuất hiện trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, với định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ... được nhấn mạnh tại Dự thảo Văn kiện, tôi tin rằng, môi trường cho đổi mới sáng tạo sẽ rộng mở hơn trong thời gian tới” - một đại biểu kỳ vọng.

Hoàn thiện thể chế kinh tế

"Giai đoạn 35 năm thực hiện đổi mới có thể được đúc kết lại qua bốn định hướng chiến lược, gồm: Lựa chọn mô hình phát triển; chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa nhưng vẫn giữ vững độc lập, tự chủ; khai thác hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ; khả năng ứng phó những bất định, khó lường tác động đến quá trình phát triển đất nước. Đặc biệt, sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là cấp thiết để làm sao chuyển kinh tế đất nước sang giai đoạn mới. " - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - TS Trần Du Lịch

Đổi mới sáng tạo đòi hỏi DN phải bứt phá

"Cần phải coi đổi mới sáng tạo như là đặc trưng của giai đoạn tới, đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận những mô hình, cách làm đột phá, thậm chí dị biệt, nhưng mang lại hiệu quả hơn. Cần quan tâm đến những quy định đối với một số lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng kỹ thuật số... trong các luật về kinh tế, về môi trường đầu tư, kinh doanh… Trên nền tảng thể chế như vậy, đương nhiên, DN, doanh nhân cũng phải làm cho mình lớn lên, thì mới có thể được hưởng thành quả của đổi mới sáng tạo. Lớn ở đây được hiểu theo nghĩa dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi bằng chính thực lực của mình, chứ không phải lớn dựa vào quan hệ, chụp giật, ăn xổi. " - Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền


Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế trong nhiệm 10 năm tới

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người.

- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.

- Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP.

- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm.

- Giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1 - 1,5%/năm.