Khéo tay với bánh trung thu nướng nhân thập cẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bánh trung thu nướng có vỏ ngoài màu vàng cam, hoa văn bắt mắt, nhân bánh đủ vị ngọt của mứt bí mứt gửng, béo của lạp xưởng xá xíu; bùi của hạt điều, vừng...

Theo đầu bếp Mai Chí Nghĩa (quận Tân Bình, TP Hồ chí Minh), làm bánh trung thu không khó nhưng mất nhiều thời gian nên đòi hỏi người thực hiện phải có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Ưu điểm của loại bánh thủ công này là người làm có thể tùy ý điều chỉnh khẩu vị phù hợp và dùng những nguyên liệu có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên vì không dùng chất bảo quản như các sản phẩm công nghiệp nên thời hạn sử dụng bánh chỉ trong 4 ngày nếu ở nhiệt độ phòng, 10 ngày nếu để ngăn mát tủ lạnh.

Hiện nay có nhiều công thức làm bánh trung thu khác nhau, nguyên liệu để làm nhân và vỏ bánh cũng rất phong phú. Đầu bếp Chí Nghĩa hướng dẫn phương pháp làm bánh nướng nhân thập cẩm xá xíu thủ công Ri Backery sau đây khá đơn giản, mọi người đều có thể thực hiện tại nhà để thưởng thức hoặc biếu tặng.

Nguyên liệu để làm bánh bao gồm:

1. Nhân

- 90 g lạp xưởng.

- 90 g xá xíu.

- 70 g mỡ.

- 35 g đường.

- 80 g mứt chanh.

- 60 g mứt tắc.

- 80 g mứt gừng.

- 85 g mứt bí.

- 80 g mứt hạt sen.

- 80 g hạt điều rang.

- 80 g mè (vừng) trắng rang.

- 1,5 muỗng canh rượu ngũ vị hương.

- 1,5 muỗng canh rượu đế.

- Dầu mè, nước tương, nước đường, bột để làm bánh dẻo.

 
Khéo tay với bánh trung thu nướng nhân thập cẩm - Ảnh 1
2. Nguyên liệu để sơ chế trứng muối

- 8 lòng đỏ trứng vịt muối.

- Một ít rượu gừng.

- 1/3 muỗng canh đường.

- Một ít dầu mè.

3. Vỏ bánh

- 250 g bột mì đa dụng.

- Một muỗng cà phê bột nổi.

- 50 g dầu ăn.

- 180 g nước đường thắng.

- 2 muỗng cà phê đậu phộng.

- Một muỗng rượu ngũ vị hương.

4. Hỗn hợp tạo màu cho bánh

- 2 lỏng đỏ trứng vịt.

- Một ít dầu mè.

Cách làm

1. Nhân bánh

- Luộc chín mỡ heo, xắt hạt lựu, ướp với đường, để nơi khô ráo đến khi thấy mỡ trong là được.

- Lạp xưởng luộc chín, xắt hạt lựu.

- Xá xíu xắt hạt lựu.

- Băm nhuyễn mứt tắc, mứt chanh, mứt gừng.

- Mứt sen, mứt bí, hạt điều thái nhỏ.

- Trộn đều tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị, nêm nếm cho vừa ăn. Cho thêm ít bột dẻo vào để tạo độ kết dính.

2. Sơ chế trứng muối

- Rửa sạch lòng đỏ trứng với nước. Sau đó ngâm trong ruợu gừng khoảng 30 - 40 phút, vớt ra, để ráo, ướp với đường và dầu mè rồi hấp chín (hoặc nướng sẽ ngon hơn).

3. Làm vỏ bánh

- Trộn đều dầu ăn, nước đường, bơ đậu phộng, rượu ngũ vị hương. Sau đó cho bột mì đa dụng và bột nổi vào khuấy đều. Lưu ý nên cho đổ bột thành nhiều lần để tránh bị vón cục. Không nên khuấy bột quá lâu sẽ khiến bột dai hơn, chỉ cần trộn đến khi các nguyên liệu hòa đều vào nhau là được. Sau đó ủ bột khoảng 30 phút ở nhiệt độ phòng.

4. Tạo hỗn hợp nước màu để quết lên bánh

- Đánh đều lòng đỏ trứng với dầu mè rồi lược qua rây.

5. Làm bánh

Để làm một chiếc bánh 200 g, bạn cân lấy 150 g nguyên liệu nhân và 50 g bột vỏ bánh.

Bước 1: Vo tròn nhân bánh, dùng ngón tay ấn nhẹ ở vùng giữa cho lõm xuống, đặt lòng đỏ trứng muối vào trong rồi vo ôm kín lại.

Bước 2: Cán mỏng vỏ bánh, cho nhân đã bọc trứng muối vào giữa rồi vo kín lại. Sau đó cho bánh vào khuôn rồi ấn nhẹ để tạo hình. Bạn có thể dùng loại khuôn nhựa làm bánh trung thu tiện lợi có bán trong siêu thị hoặc chợ. Lưu ý trước khi cho bánh vào khuôn để dập, nên rắc một lớp bột mì mỏng vào trong khuôn rồi vỗ ra hết để không bị bết dính.

- Nướng bánh ở khoảng 200 độ C trong 10 phút rồi lấy ra quét một lớp mỏng hỗn hợp tạo màu gồm lòng đỏ trứng và rượu ngũ vị hương lên mặt. Sau đó cho bánh vào nướng tiếp khoảng 10 phút nữa là chín. Bánh nướng sau khi lấy trong lò ra nên để nguội trong vòng 12 tiếng đồng hồ mới ăn hoặc biếu tặng bởi lúc này bánh sẽ có độ bóng và vàng óng đẹp mắt hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần