Đây là cơ hội để người sản xuất bắt tay với DN phân phối mở rộng đầu ra cho nông sản an toàn. Khi cung gặp cầu Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Trong đó có 11 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn và 21 chuỗi liên kết về chăn nuôi với tổng sản phẩm đạt hàng nghìn tấn rau, 4.500 tấn thịt, 140 triệu quả trứng, 29.000 tấn sữa tươi. Tuy nhiên, theo khảo sát của Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội, một lượng lớn sản phẩm đó được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối, sau đó đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể. Các chợ đầu mối vẫn đóng vai trò là khâu điều phối nông sản đến thị trường tiêu thụ.
Do thiếu sự liên kết giữa cơ sở sản xuất với DN phân phối nông sản thực phẩm an toàn nên sản phẩm chủ yếu vẫn được tiêu thụ qua các kênh truyền thống, giá bán chưa cao và thiếu bền vững. Ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ chia sẻ, từ năm 2009, xã được TP đầu tư xây dựng dự án rau an toàn 50ha. Những năm gần đây, được sự hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hàng nghìn lượt nông dân đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn. “Sản lượng rau an toàn của xã vào thời vụ lên tới 8 - 10 tấn/ngày nhưng sản phẩm vào được các siêu thị rất ít nên giá trị thu được không tương xứng” - ông Mạnh trăn trở. Tại hội thảo, nhiều hộ sản xuất khác cho biết cũng gặp phải vấn đề tương tự. Trong khi đó, các DN phân phối nông sản an toàn lại chưa tìm được nguồn cung đủ tin cậy. Chính vì vậy, cuộc gặp gỡ này dù ngắn ngủi nhưng cũng bước đầu đặt nền móng cho sự hợp tác giữa các hộ sản xuất và DN phân phối nông sản an toàn. Qua tham quan sản phẩm trưng bày, ông Trần Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VietRAP đã “để ý” tới một số sản phẩm đặc trưng của huyện Phúc Thọ như hành lá, chuối Vân Nam, rau, đậu, thực phẩm. Hiện, Công ty VietRAP đang có hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản 20 tấn hành tươi và 20 tấn chuối/ngày, nhu cầu tìm nguồn hàng rất lớn. Ông Hùng cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân nếu sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo ATTP.
Hướng tới sự hợp tác bền chặt Có thể nói, việc tăng cường liên kết giữa cơ sở sản xuất với đơn vị kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn TP là một trong những hoạt động hết sức cần thiết mang lại lợi ích cho cả hai bên và người tiêu dùng. Không chỉ giúp DN đến gần hơn với người sản xuất, việc liên kết này còn góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn khép kín và có kiểm soát. Trên thực tế, các hoạt động tiếp xúc giữa DN với nhà sản xuất thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực. Đơn cử như Công ty CP Nhất Nam đã tìm được 15 nhà cung cấp rau, củ, quả cũng nhờ hoạt động XTTM của ngành nông nghiệp Hà Nội. Hay như Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc (Thạch Thất) đã tìm được đầu ra thuận lợi cho sản phẩm rau hữu cơ Đại Ngàn… Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, sản xuất theo chuỗi khép kín, đảm bảo quy trình ATTP, rõ nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng chất cấm là xu hướng tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, cần phải có sự hợp tác bền chặt để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cùng với việc đề nghị các cơ sở sản xuất và DN phân phối bắt tay chặt chẽ với nhau, ông Đăng cũng yêu cầu Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm làm cầu nối để kết nối các cơ sở sản xuất và lưu thông.
Các đơn vị, DN ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Ảnh: Quang Thiện |
Tại hội thảo đã có trên 30 hợp đồng hợp tác giữa các đơn vị, nhà sản xuất và DN phân phối nông sản thực phẩm an toàn được ký kết. |