Khép tuần giao dịch với sự tăng “sốc” 6,3% của dầu WTI

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu tiêu thụ gia tăng, trong khi nguồn cung bị thắt chặt là hiệu ứng kép khiến giá dầu hôm nay khép tuần giao dịch với hướng tăng mạnh, lập đỉnh 10 năm với sự tăng “sốc” 6,3% của dầu WTI.

Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 6/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 91,92 USD/thùng, tăng 1,65 USD/thùng trong phiên; còn giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 92,80 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong tuần, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đã có lúc trồi sụt trái chiều nhau. Có thời điểm dầu Brent giảm thì dầu WTI tăng hoặc ngược lại. Điều bất ngờ đã xuất hiện vào những phiên cuối của tuần (hôm 4/2) khi mà dầu WTI xác lập “đỉnh” mới 93,17 USD. Đây là mức giá cao nhất của WTI kể từ tháng 9/2014.

Dầu WTI đã “tăng tốc” một cách ngoạn mục và chỉ cần 53 cent nữa là có thể đuổi kịp dầu Brent cũng đã chạm đỉnh 93,70 USD - mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Với mức tăng hơn 3,6% đối với dầu Brent và 6,3% đối với dầu WTI, dầu một lần nữa đánh dấu tuần tăng.

Đây là tuần tăng thứ 7 liên tiếp của hai mặt hàng dầu này và là tuần tăng thứ 5 kể từ đầu năm đến nay. Sự “bứt phá” của giá dầu vào phiên giao dịch cuối của tuần là do sự gia tăng lo ngại về gián đoạn nguồn cung và căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có hồi kết.

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 31/1 với xu hướng tăng mạnh khi mà thị trường dầu thô tiếp tục ghi nhận nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng cao bởi các hoạt động kinh tế đang dần được nới lỏng, mở cửa trở lại.

Những lo ngại về dịch Covid-19 đã hạ nhiệt khi các kết quả nghiên cứu, thống kê cho thấy biến thể Omicron không nguy hiểm như các cảnh báo trước đó. Kết quả nghiên cứu của các công ty dược cũng chứng minh vaccine đang được triển khai vẫn có hiệu quả với biến thể Omicron.

Giá dầu còn được thúc đẩy mạnh bởi tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu trên thị trường do khả năng tăng sản lượng của các nhà sản xuất hạn chế, và các vấn đề rủi ro địa chính trị gia tăng xung quanh quan hệ Nga – Ukraine. Giám đốc điều hành của Chevron Corp Mike Wirth khi đưa nhận định về xu hướng giá dầu đã cho rằng, nhu cầu đang tăng mạnh, nguồn cung đang gặp khó khăn một chút để theo kịp. Theo Mike Wirth, những yếu tố này cộng với tác động của các sự kiện địa chính trị đến thị trường hàng hoá có thể đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 31/1, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 87,72 USD/thùng, tăng 0,90 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 91,00 USD/thùng, tăng 0,97 USD/thùng trong phiên.

Đà tăng của giá dầu tiếp tục được củng cố trong các phiên giao dịch sau đó trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và năng lực sản xuất của các các nhà cung ứng dầu thô hạn chế.

Bất chấp diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19, kinh tế thế giới vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, đặc biệt là 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Các dự báo được đưa ra cũng cho thấy bức tranh kinh tế thế giới sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh trong năm 2022.

Nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô, cũng được dự báo tăng mạnh thời gian tới khi các chuỗi cung ứng và các hoạt động kinh tế được khôi phục nhờ việc gỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại.

Ngược lại, khi mà nhu cầu có xu hướng phục hồi mạnh thì nguồn cung trên thị trường lại chậm được cải thiện bởi năng lực sản xuất hạn chế của các nhà cung cấp lớn. OPEC+ vẫn được thực hiện thoả thuận tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều nước thành viên của tổ chức này đã không thể hoàn thành mực tiêu tăng sản lượng được phân bổ dẫn tới sản lượng gia tăng của khối không đạt được như kế hoạch.

Nguồn cung tăng 400.000 thùng/ngày là quá ít để thị trường đánh giá và quan trọng hơn là không được OPEC+ đáp ứng hoàn toàn. Do đó, giải pháp ngắn hạn duy nhất để cân bằng cung-cầu trên thị trường sẽ đến từ OPEC+, và được dẫn dắt bởi Saudi Arabia, nhà sản xuất có công suất dự phòng lớn nhất thế giới".

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm 1 triệu thùng và các sản phẩm chưng cất cũng giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa phục hồi mạnh.

Giá dầu thô đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014 vào tháng 1/2022 khi mà các nhu cầu tiêu thụ duy trì đà phục hồi mạnh, trong khi nguồn cung dầu lại khá hạn chế. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giá dầu liên tục tăng thời gian qua là sự gia tăng sản lượng “một cách nhỏ giọt” của OPEC+.

Đà tăng của giá dầu tiếp tục gia tăng trong những phiên giao dịch cuối tuần khi lo ngại nguồn cung dầu gián đoạn do tình trạng bão tuyết ở Texas Mỹ. Dữ liệu thống kê từ Mỹ cho thấy, thời tiết giá lạnh đã khiến hơn 200.000 người ở Texas bị mất điện. Điều này đã thúc đẩy mạnh các nhu cầu năng lượng cho sưởi ấm, đồng thời cũng khơi gợi ký ức về bão Ida, cơn bão đã đánh sập nguồn điện của hàng triệu người dân Texas.

Theo Chiyoki Chen, nhà phân tích của công ty môi giới hàng hóa Sunward Trading, những rủi ro địa chính trị cộng với việc OPEC+ tiếp tục duy trì chính sách sản lượng tăng dần có thể đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng.

Khi mà nguồn cung dầu thô tiếp tục chịu thêm sức ép, ngược lại, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn duy trì được trạng thái phục hồi mạnh. Bão tuyết có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu nhưng lại thúc đẩy các nhu cầu tiêu thụ năng lượng để phục vụ sưởi ấm, thắp sáng… Triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục khởi sắc khi trong dữ liệu mới nhất, số liệu việc làm Mỹ trong tháng 1 vẫn được cải thiện mạnh mẽ, bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Với những diễn biến trong tuần giao dịch từ ngày 31/1, giá dầu tuần tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi bão tuyết ở Mỹ sẽ tác động đến nhiều vùng sản xuất dầu thô của nước này, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi mạnh khi nhiều quốc gia châu Á kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

 

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay ghi nhận giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.595 đồng/lít, xăng RON95 không cao hơn 24.360 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.903 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 17.793 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.993 đồng/kg.