Khi “báu vật” là... gánh nặng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ai đó đã nói, có bố mẹ già như báu vật trong nhà. Nhưng với gia đình ông Tam, thì “báu vật” ấy như một gánh nặng, một sự phiền hà mà không có cách gì giũ bỏ.

Mãi đến hôm ông Tam tổ chức lễ thượng thọ cho mẹ mình linh đình, hoành tráng với đủ loại xe to nhỏ tấp nập vào ra, bà con hàng xóm mới té ngửa ra là nhà ông vẫn còn mẹ già 80 tuổi. Ai cũng mắt tròn: “Ơ, sao không bao giờ thấy vợ chồng ông ấy, hay con cháu nhắc gì đến cụ nhỉ. Hay ông ấy mới đón cụ ở quê ra”. Người khác lại nói: “Nhưng ông Tam là con một mà. Nghe nói ở quê chỉ còn họ hàng thôi, làm gì còn ai ruột thịt, thế bà cụ ở đâu nhỉ”...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tuy không được mời, nhưng do trách nhiệm, những người trong hội phụ lão của khu cũng sắm chút lễ đến chúc thọ cụ. Lúc đó, họ mới biết là cụ vẫn ở nhà ông từ ngày ông dọn về đây. Cũng nhờ cô giúp việc của gia đình, hàng xóm mới biết bà cụ được ông bố trí ở một căn phòng khép kín ở tầng trên cùng của căn nhà đồ sộ. Ngày lại ngày cụ quanh quẩn trong căn phòng ấy, buồn thì mở đài, tivi xem.

Có lẽ do phòng ở cao quá, con cháu lại bận đi làm, nên ngày ngày tiếp xúc với cụ chỉ có cô giúp việc. Đến bữa, cô mang cơm lên, rồi giúp cụ dọn phòng, thay quần áo, tắm giặt. Lúc đầu mấy đứa cháu nhỏ, mỗi lần tò mò định vào chơi với cụ, lập tức bị bố mẹ chúng gọi giật lại, nói vào đấy làm gì, nhỡ cụ lại lây bệnh gì cho thì sao. Rồi dần dà, con dâu, các cháu tuyệt nhiên không bao giờ bước vào phòng cụ. Có lẽ với các con ông, bây giờ có lẽ bà cụ chỉ tồn tại một cách lờ mờ trong trí nhớ mà thôi.

Năm thì mười họa, ông mới đá qua xem cụ thế nào, mỗi lần như thế cụ nói ông cho cụ xuống dưới nhà một tý, để biết đến bà con xóm giềng. Ông lại gạt phắt đi, nói cụ già rồi, ra vào lẩm cẩm, để họ cười cho. Mỗi lần có họ hàng ở quê ra thăm cụ, cụ lại bám chặt lấy, nài nỉ họ cho về quê cùng. Dù về đấy có nhịn đói, hay ăn khoai, ăn sắn cũng được. Ở đây, cụ không thiếu gì cả, nhưng thiếu tình cảm, thiếu tiếng cười. Mang tiếng ở cùng nhà với con cháu, mà có bao giờ được gặp mặt. Thương cụ, nhiều người trong họ cũng mở lời xin cho cụ về quê chơi ít hôm, ông lập tức quát lên: Tôi không nuôi được mẹ hay sao, mà phiền đến mọi người. Cứ thế, dần dần không ai dám đến thăm cụ nữa. Cụ đã cô độc, lại càng cô độc hơn.

Khi nghe chuyện của ông Tam, nhiều người thấy buồn, nhưng cũng không mấy ngạc nhiên, bởi đó không phải trường hợp duy nhất. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con cái quá bận rộn không có thời gian chăm sóc, quan tâm đến bố mẹ già. Hơn nữa, do nhà cửa chật hẹp hoặc cao tầng, để các cụ đi lại không tiện, người ta đành tìm cách để bố mẹ già tách rời khỏi cuộc sống của mình, thậm chí như “nhốt” các cụ lại trong một căn phòng ít người qua lại. Nhưng “nhốt” các cụ lại cho yên chuyện như cách không ít người đang làm ấy có cái gì đó hơi gợn lòng.

Có lẽ do ở biệt lập như thế, nên có ông còn quên cả mình còn mẹ già. Chả thế mà có người, trong lễ cưới của con trai, sau khi giới thiệu đủ mặt họ hàng, lúc sau lại chợt đứng lên: “À quên, nhà tôi còn một mẹ già đã ngoài 90 tuổi nữa”. Mọi người quá ngạc nhiên. Thì ra, sau khi nghe bên nhà thông gia trịnh trọng giới thiệu về mẹ già của mình, ông mới chợt nhớ ra “báu vật” trong nhà.