Người ta bảo, nhà tài trợ của giải đấu đã rất khéo léo khi khai thác triệt để hình ảnh và sức lan tỏa của đội bóng vốn đang nhận được sự ưu ái đặc biệt từ dư luận. Từ chuyện bán vé đến khẩu phần ăn tốn bao nhiêu tiền, các bác sĩ chăm lo cho các ngôi sao trẻ ra sao cũng được nhanh chóng chuyển cho báo chí một cách có chủ đích. Nói một cách khác, sức nóng mà người ta tạo ra ở giải đấu có đội U19 Việt Nam thi đấu là nhằm đánh bóng cho chính nhà tài trợ. Hay, thông qua giải đấu này, nhà tài trợ muốn xuất hiện một cách dày đặc và ấn tượng trong dư luận. Đến lúc này thì có thể khẳng định, nhà tài trợ của giải đang làm tốt công việc của mình. Họ đang có được thứ mà mình mong muốn. Thế mới nói, bóng đá luôn có những giá trị và quyền năng đặc biệt. Ở đó, nếu ai biết tận dụng sức lan tỏa mà bóng đá mang lại thì người đó sẽ gặt hái được thành công. Nó không chỉ giúp quảng bá thương hiệu doanh nghiệp mà còn mang đến hình ảnh lung linh về thương hiệu cá nhân. Nhiều người bảo bóng đá đang bị coi là công cụ của một số ông bầu, các nhà tài trợ. Hay nói cách khác, sân chơi mà họ tạo ra là có chủ đích chứ không hẳn chỉ vì tình yêu bóng đá. Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, bóng đá cũng hấp dẫn và nhận được nhiều thứ từ các ông bầu. Vấn đề ở chỗ, bóng đá phải tự điều chỉnh, nâng cao giá trị và vai trò của mình chứ quyết không chỉ là công cụ nhất thời của các ông bầu. Nhắc đến điều trên là bởi, khi mà hàng loạt thương hiệu lớn dần rời xa ĐTQG, ĐT U23 thì đội tuyển U19 đang là cái tên được săn đón trên thị trường tiếp thị. Thậm chí, VFF không biết phải làm sao để bán được thương quyền của hai đội tuyển lớn với giá cao. Thành tích yếu kém, hình ảnh nhợt nhạt khiến mong mỏi được trở thành công cụ của ai đó cũng không thành. Vậy mới nói, đừng buồn khi bóng đá trở thành công cụ trên thương trường. Vấn đề ở chỗ, bóng đá phải điều chỉnh và hoàn chỉnh để mãi là công cụ đắc dụng trong mọi trạng huống.