Khi các “quan” thanh tra nhận hối lộ

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp các “quan” thanh tra, những người nắm giữ “cán cân công lý” nhận hối lộ bị phanh phui đã chỉ ra tệ hối lộ hiện nay đang diễn ra khá phổ biến, dù việc chứng minh được hành vi hối lộ theo quy định pháp luật hiện hành còn gặp không ít khó khăn.

154 tháng tù cho tội “nhận hối lộ”
Mới đây, ngày 16/3, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt 5 cựu cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa tổng cộng 154 tháng tù về tội "nhận hối lộ". Theo đó, HĐXX TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt bị cáo Lê Mạnh Hà (58 tuổi, Trưởng Phòng thanh tra giải quyết khiếu nại - tố cáo 3, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa) 40 tháng tù; Nguyễn Thị Cúc (55 tuổi, thanh tra viên) 34 tháng tù; Nguyễn Hưng (43 tuổi, thanh tra viên) và Dương Văn Bằng (58 tuổi, thanh tra viên) cùng 28 tháng tù; Nguyễn Quý Diễn (51 tuổi, thanh tra viên) 24 tháng tù.
Các cựu cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa tại phiên tòa.
Theo cáo trạng vụ án, ngày 18/4/2019, tại hội trường UBND huyện Thiệu Hóa, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang Nguyễn Thị Cúc - Phó Trưởng đoàn thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa - đang có hành vi nhận 20 triệu đồng của kế toán Công ty TNHH Xây dựng vận tải Tùng Sâm (đóng tại huyện Thiệu Hóa).
Khám xét chỗ ở, nơi làm việc của Nguyễn Thị Cúc, công an thu giữ hơn 100 triệu đồng. Sau khi bà Nguyễn Thị Cúc bị bắt, các thành viên trong đoàn đã đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi nhận hối lộ. Công an tiếp tục thu giữ hơn 60,5 triệu đồng tại nơi làm việc của ông Lê Mạnh Hà - Trưởng đoàn thanh tra.
Theo hồ sơ vụ án, ông Lê Mạnh Hà làm Trưởng đoàn thanh tra hoạt động thu - chi ngân sách và kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước ở huyện Thiệu Hóa từ ngày 13/3/2019. Quá trình thanh tra, mặc dù không có quán triệt từ trước nhưng toàn bộ thành viên đoàn đều hiểu và thống nhất việc nhận tiền của các đơn vị bị thanh tra. Khi có đơn vị chi tiền cho đoàn, Lê Mạnh Hà thống nhất với đoàn giao cho Nguyễn Thị Cúc nhận để tổng hợp và chia cho các thành viên.
Tổng số tiền của 5 DN và 1 đơn vị trường học đưa hối lộ cho đoàn thanh tra là 594 triệu đồng. Trong tổng số tiền này, có 364 triệu đồng nhận chung từ người đưa hối lộ cho đoàn thanh tra để chia nhau, còn 230 triệu đồng là các thành viên nhận hối lộ riêng lẻ.
Vi phạm rất nghiêm trọng, phải xem xét kỷ luật
Một trường hợp khác, tháng 4/2019, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra, có nhiệm vụ thanh tra tại một số dự án trên địa bàn huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Đoàn thanh tra gồm 5 người thuộc các đơn vị của Thanh tra Bộ Xây dựng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh này, Trưởng đoàn cùng một số thành viên đã bị bắt quả tang nhận hối lộ.
Theo đó, ngày 12/6/2019, tại Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Tường, tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên Phòng thanh tra xây dựng 2) nhận 90 triệu đồng của lãnh đạo 1 DN.
Cùng ngày, tại UBND huyện Vĩnh Tường, tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang bà Nguyễn Thị Kim Anh (44 tuổi, Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng Thanh tra Bộ Xây dựng - Trưởng đoàn thanh tra) về 2 hành vi: nhận 68 triệu đồng của ông Tr.H. (49 tuổi, kế toán UBND xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường) và nhận 91,5 triệu đồng của ông Đ.M.C. (40 tuổi, công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường).
Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khám xét khẩn cấp nơi làm việc của đoàn thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường, thu giữ 335 triệu đồng trong tủ do bà Nguyễn Thị Kim Anh quản lý...
Ảnh minh họa.
Liên quan đến vi phạm của Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc, tháng 3/2020, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã đề nghị xem xét thi hành kỷ luật Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng; đồng thời chỉ ra các sai phạm. Trong đó, các đồng chí Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Bí thư Chi bộ Phòng Phòng, chống tham nhũng; Đặng Hải Anh - cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 2; Nguyễn Thị Kim Liên - cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3 đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường… Vi phạm của Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các đồng chí nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Xây dựng và ngành Thanh tra, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh từng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng tặng bằng khen cùng nhiều cá nhân khác vì hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch công tác. Bà mới được bổ nhiệm vào vị trí Phó trưởng Phòng Phòng chống tham nhũng vài tháng trước khi nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn thanh tra. Đại diện Bộ Xây dựng cũng xác nhận, 2 chị em ruột Nguyễn Thị Kim Anh và Nguyễn Thị Kim Liên (42 tuổi, cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3) cùng thực hiện nhiệm vụ công tác trong một đoàn thanh tra.
Tệ hối lộ có “sức sống” mãnh liệt
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù không có quy định nào nghiêm cấm việc 2 thành viên là người nhà tham gia đoàn thanh tra, vì không thuộc vào trường hợp bị xung đột lợi ích. Tuy nhiên, trường hợp 2 chị em ruột bà Nguyễn Thị Kim Anh tham gia vào cùng một đoàn thanh tra là có vấn đề. Dư luận rất không đồng tình với việc thế này.
Theo các chuyên gia, tệ hối lộ là hiện tượng vi phạm pháp luật và mọi người đều lên án, tuy nhiên, nó lại có “sức sống” mãnh liệt. Trong quan hệ hối lộ, đa số trường hợp các bên tham gia hối lộ đều có phần lợi ích và vì thế, họ tìm cách để che chắn cho nhau, rất khó phát hiện và cũng rất ít trường hợp người đưa hối lộ đi phát giác.
Hối lộ, về lâu dài, có ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước; đồng thời, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, méo mó hoạt động công quyền, bẻ cong pháp luật và chà đạp lên công bằng xã hội. Việc các “quan” thanh tra, những người nắm giữ “cán cân công lý”, nhận hối lộ bị phanh phui đã chỉ ra tệ hối lộ hiện nay đang diễn ra khá phổ biến, dù việc chứng minh được hành vi hối lộ theo quy định pháp luật còn gặp không ít khó khăn.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết cho hay, trong thực tế, tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ không có nhiều vụ án. Nếu tố giác ai đó phạm tội nhận hối lộ thì phải có chứng cứ về hành vi, về người đưa và nhận hối lộ.
Bên cạnh đó, thời điểm được cho là đưa, nhận hối lộ cũng khá khó, nhạy cảm vì một số trường hợp đưa/nhận "hối lộ" sau khi đã xong việc, được việc. Vậy nên, đa số các vụ án xét xử tội nhận hối lộ là do người đưa hối lộ tố giác sau khi họ đã đưa tiền hoặc tài sản có giá trị nhưng không được việc mà họ mong muốn, yêu cầu...

"Trong thực tế, tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ không có nhiều vụ án. Nếu tố giác ai đó phạm tội nhận hối lộ thì phải có chứng cứ về hành vi, về người đưa và nhận hối lộ. Bên cạnh đó, thời điểm được cho là đưa, nhận hối lộ cũng khá khó, nhạy cảm vì một số trường hợp đưa/nhận “hối lộ” sau khi đã xong việc, được việc. Vậy nên, đa số các vụ án xét xử tội nhận hối lộ là do người đưa hối lộ tố giác sau khi họ đã đưa tiền hoặc tài sản có giá trị nhưng không được việc mà họ mong muốn, yêu cầu..." - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết, luật sư  Nguyễn Thị Hải Yến

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần